Thành Phong ·
51 tuần trước
 6823

Những quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Luật Khoáng sản 2010

Cục Khoáng sản Việt Nam đang chủ trì, phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản và các công việc liên quan. Dự kiến Luật sẽ được Quốc hội khoá XV thảo luận vào quý IV năm 2023 và thông qua vào quý I năm 2024.

Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, nhiều chế định pháp lý của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế; một số quan hệ mới trong hoạt động khoáng sản phát sinh trong thực tiễn cần phải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

Đề xuất bổ sung quy định chính sách và công cụ kinh tế về địa chất và khoáng sản

Trong Dự thảo Luật này, Cục Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất đưa vào nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Luật Khoáng sản 2010.

Cụ thể, Cục Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất đưa những nội dung mới vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản như: chính sách và công cụ kinh tế về địa chất và khoáng sản; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và chế độ báo cáo về địa chất, khoáng sản; bổ sung quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Trong đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đề xuất bổ sung quy định nhằm quản lý tập trung, thống nhất về địa chất, khoáng sản, trong đó có thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất; bổ sung quy định về nguồn vốn đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, về quản lý nhà nước đối với điều tra cơ bản địa chất.

Liên quan đến tài chính về địa chất, khoáng sản, theo dự thảo Tờ trình, mục tiêu của chính sách nhằm quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế để phát huy nguồn lực tài chính để tạo nguồn tái đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

Xác định tài chính về địa chất đảm bảo tính khả thi của Luật, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước, sự cân đối hài hòa giữa lợi ích của tổ chức, cá nhân và lợi ích của Nhà nước.

Xem xét, bổ sung Chương về thăm dò, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên

Cục đề nghị xem xét, bổ sung Chương về thăm dò, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên.

Thực tế, nước khoáng, nước nóng là khoáng sản thể lỏng, có tính tái tạo, hoạt động thăm dò, khai thác đơn giản, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, không chiếm dụng nhiều diện tích đất.  Vì vậy, nên có quy định riêng với đặc thù loại khoáng sản này.

Cũng theo quy định của pháp luật về khoáng sản hiện hành, các khu vực có nước khoáng, nước khoáng nóng không thuộc danh sách khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Vì vậy, loại khoáng sản này chưa phân cấp cho địa phương quản lý, cấp phép.

Đề xuất xây dựng Chương mới về Điều tra cơ bản địa chất

Cục Khoáng sản Việt Nam cũng đề xuất xây dựng Chương mới về Điều tra cơ bản địa chất, trong đó có những quy định cụ thể về: Điều tra cơ bản tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; Điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường; Điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; Điều tra điều kiện địa chất khác; Hoàn thiện các quy định về lưu trữ, sử dụng thông tin về địa chất khoáng sản, trách nhiệm của nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.

Năm 2023, xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Khoáng sản Việt Nam. Hiện nay, đơn vị đang tập trung thực hiện nhiệm vụ này để đảm bảo tiến độ Bộ TN&MT sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024 theo kế hoạch.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, để các quy định ngày càng được hoàn thiện hơn, qua thực tiễn triển khai, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành và địa phương cho thấy Luật Khoáng sản còn có nhiều hạn chế, bất cập, tồn tại. Các bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách; quy hoạch khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; thủ tục hành chính…

Trong khi một số Luật mới được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch…, một số Luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư… thì Luật Khoáng sản vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ, thống nhất giữa các Luật. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010, tiến tới hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản.

Luật Khoáng sản hiện hành được ban hành năm 2010 là dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Luật Khoáng sản đã thể chế hóa chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư vào khai thác khoáng sản; điều tiết nguồn thu từ khoáng sản để hài hòa lợi ích của “Nhà nước-Doanh nghiệp-Người dân"; khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho" trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, công tác điều tra cơ bản địa chất đạt những kết quả đáng kể, nhiều khu vực khoáng sản mới được phát hiện và đánh giá góp phần gia tăng tài nguyên, trữ lượng một số khoáng sản chủ yếu, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản đã đạt nhiều hiệu quả, góp phần đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường.

Tạ Nhị