Bộ Xây dựng được giao phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Chí Hùng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường bất động sản.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành khác để rà soát, đôn đốc, gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản trong phát triển dự án, nhất là những dự án có khả năng thanh khoản tốt.
Nghị quyết cũng nêu rõ những việc này phải có chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm 2024.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.
Qua đó, đưa ra giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương....
Thực tế, thị trường bất động sản thời gian gần đây đã có những tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới toàn thị trường trong quý I đạt gần 31%, với khoảng 6.200 giao dịch thành công, tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Đơn vị này nhận định các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Với bối cảnh này, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, thị trường và các doanh nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.
Chiều 19/6, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội đề xuất 3 luật về bất động sản là Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, tức từ ngày 1/8.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, việc cho phép các luật có hiệu lực sớm hơn sẽ khắc phục những tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đây vốn là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm.
Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.