Bích Ngọc ·
43 tuần trước
 8836

Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) báo lãi quý II giảm 34%, nắm giữ bao nhiêu trái phiếu chưa niêm yết?

Lũy kế nửa đầu năm nay, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.015,2 tỷ đồng, so với 6 tháng đầu năm ngoái giảm 33,8%, lợi nhuận trước thuế giảm đến 50,2% (còn 999,7 tỷ đồng).

Mới đây, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã có công bố báo cáo tài chính quý II/2023, so với cùng kỳ doanh thu hoạt động giảm 19,7%.

Trong quý II/2023, các mảng kinh doanh của TCBS đa phần đều đi xuống, trong đó nghiệp vụ cho vay đem lại nguồn thu cao nhất trong quý II/2023 với 397,8 tỷ đồng (giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Hoạt động môi giới được ghi nhận doanh thu 109,7 tỷ đồng (giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2022). Tương tự, trong quý II nguồn thu từ hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán cũng giảm 33,9% (về 220,9 tỷ đồng). Lãi từ các tài sản tài chính FVTPL là gần 208,6 tỷ đồng, so với quý II/2022 giảm 36,1%.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ở chiều ngược lại, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) gấp 3,64 lần cùng kỳ (lên hơn 101 tỷ đồng). Thu nhập hoạt động khác cũng tăng mạnh (từ 0,6 tỷ đồng kỳ trước lên 25,1 tỷ đồng kì này).

Cùng chiều doanh thu, trong quý vừa qua  chi phí hoạt động của công ty giảm 20,1% so với quý II/2022 (xuống còn gần 176,7 tỷ đồng). Trong đó, lỗ từ FVTPL gấp 4,7 lần cùng kỳ (lên mức 54,3 tỷ đồng). Kết quả, chứng khoán TCBS báo lãi trước thuế 551,6 tỷ đồng và sau thuế 442,3 tỷ đồng (thấp hơn lần lượt 33,6% và 33,8% so với cùng kỳ năm 2022).

Lũy kế nửa đầu năm nay, công ty chứng khoán ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.015,2 tỷ đồng, so với 6 tháng đầu năm ngoái giảm 33,8%. Lợi nhuận trước thuế giảm tới 50,2% (còn 999,7 tỷ đồng). Công ty này đặt kế hoạch năm 2023 đạt 4.803 tỷ đồng doanh thu và 2.386 tỷ đồng lợi nhuận. Có thể thấy, TCBS đã thực hiện gần 42% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra sau nửa đầu năm.

Tại ngày 30/6/2023 tổng tài sản của TCBS là 34.775 tỷ đồng, tăng 8.683 tỷ đồng, tương đương tăng 33% so với quy mô 26.092 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Cuối quý II/2023, giá trị cho vay margin của công ty là 9.809 tỷ đồng (tăng 17% so với mức 8.362 tỷ đồng cuối năm 2022).

Tại ngày 30/6/2023, giá trị tài sản tài chính AFS là 14.794 tỷ đồng trong đó trái phiếu chưa niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất với 12.570 tỷ đồng. So với con số 6.560 tỷ đồng hồi cuối quý I vừa qua thì khoản mục này tăng khá nhanh, tuy nhiên không được thuyết minh cụ thể.

Bên cạnh đó, trái phiếu niêm yết ghi nhận hơn 890 tỷ đồng, kế đến là cổ phiếu chưa niêm yết (630 tỷ đồng), cổ phiếu niêm yết (498 tỷ đồng), chứng chỉ tiền gửi (199 tỷ đồng), các tài sản tài chính khác (5,5 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6, nợ phải trả của TCBS ở mức 12.771 tỷ đồng (giảm 15% so với hồi đầu năm nay). Trong đó, nợ phải trả ngắn hạn giảm 9% (còn 12.166 tỷ đồng), nợ dài hạn của TCBS giảm từ 1.724 tỷ còn gần 605 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ từ nguồn trái phiếu phát hành dài hạn.

Trong năm 2023, kế hoạch kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán vẫn cho thấy sự lạc quan khi tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2-3 chữ số. Các công ty đầu ngành như SSI, VNDirect, MBS lần lượt lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ở mức 20%, 16% và 36% so với mức thực hiện năm 2022. Bên cạnh đó, ở quy mô nhỏ hơn, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mạnh dạn với kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 126%, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) dự kiến lợi nhuận tăng 191%, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 97%,...

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6642942022432164/?