Đến thời điểm cuối năm 2022, trong danh mục trái phiếu chưa niêm yết của CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), số trái phiếu SDI Corp chiếm tới gần một nửa
Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn nắm giữ 1.216 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast (Vinfast), 676,1 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư Golden Hill (Golden Hill) và 1.289,5 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết khác.
Số trái phiếu SDI Corp có khả năng được TCBS mua vào trong nửa cuối năm 2022 (Nguồn: BCTC đã kiểm toán năm 2022 của TCBS)
Cùng là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng trái phiếu SDI Corp được TCBS ghi nhận mức rủi ro tăng thêm lên tới 30%, trong khi đó trái phiếu Vinfast được ghi nhận mức rủi ro thị trường tăng thêm ở mức 10%.
TCBS cho biết, trong trường hợp công ty đầu tư quá nhiều vào tài sản đó, giá trị rủi ro thị trường của các tài sản sẽ được điều chỉnh tăng thêm. Giá trị rủi ro tăng thêm lên đến 30%, với trường hợp lô trái phiếu SDI Corp được áp dụng khi tổng giá trị đầu tư của khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của một tổ chức chiếm từ trên 25% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán.
Ngược lại, TCBS đang chào bán các trái phiếu SDI Corp mã SDICB21240001 cho nhà đầu tư có mức lãi suất dao động từ 8,5-11%/năm với kỳ hạn 3-12 tháng, và lên tới 14,11%/năm nếu nắm giữ tới ngày đáo hạn (16/12/2024).
Được biết, SDI Corp là chủ đầu tư dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An với có quy mô 117,4ha tại phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Tp. HCM.
Vào đầu năm 2020 được ghi nhận có dấu hiệu đổi chủ của dự án này, với việc ông Bùi Đức Khoa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT SDI Corp thay thế cho ông Dương Minh Hùng. Lưu ý, ông Bùi Đức Khoa là yếu nhân trong 'hệ sinh thái' Vạn Thịnh Phát.
Tháng 7/2021, vai trò cầm trịch để phát triển siêu dự án Sài Gòn Bình An được nhường cho người khác, thể hiện qua việc bà Mai Thị Kim Oanh được bầu làm Chủ tịch HĐQT SDI Corp (thay cho ông Bùi Đức Khoa). Dự án này sau đó được biết đến với tên thương mại The Global City do Masterise Homes phát triển.
Mới đây, TCBS vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023).
Trong đó, Hội đồng quản trị TCBS trình kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hoạt động đạt 4.654 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 2.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,7% về doanh thu và 34,4% lợi nhuận so với thực hiện năm 2022.
Ban lãnh đạo TCBS cho biết, trong năm 2023 sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược Wealthtech (tài chính công nghệ). Hướng tới mục tiêu đạt 5.000 tỷ đồng lợi nhuận và 5 tỷ USD vốn hóa vào năm 2025.
Công ty chứng khoán này trước đó đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng theo lộ trình chiến lược 5 năm (2021-2025). Sau kế hoạch này, dự kiến vốn chủ sở hữu của TCBS vượt 21.000 tỉ đồng. Theo ban lãnh đạo TCBS, việc tăng vốn, dự kiến thực hiện vào cuối quý 2, đầu quý 3/2023.
Rót thêm vốn vào MIK và Prodezi Tính đến ngày 31/12/2022, công ty chứng khoán này ghi nhận khoản đầu tư 630 tỷ đồng vào MIK và 450 tỷ đồng vào Prodezi. Được biết, cả MIK và Prodezi đều là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và mỗi doanh nghiệp lại có mối liên hệ với một đại gia ngân hàng. So với đầu năm, các khoản đầu tư này lần lượt tăng 219,6 tỷ đồng và 210 tỷ đồng so với đầu năm. Bên cạnh đó, TCBS còn rót 2.227 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi, bao gồm chứng chỉ tiền gửi của MBBank (1.013 tỷ đồng), BIDV (652,7 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi khác (561,2 tỷ đồng). |