Hồ Hằng ·
1 năm trước
 6914

Chuyên gia nói gì về đề xuất bỏ đăng ký thường trú, tạm trú khi mua NƠXH?

Việc Bộ Xây dựng đề xuất bỏ điều kiện thường trú khi mua nhà ở xã hội đang được rất nhiều người quan tâm. Không ít người dân lên tiếng ủng hộ và cho rằng, quy định này đang giúp “cởi trói” cho người nghèo, người thu nhập thấp.

Người mua NƠXH thở phào nhẹ nhõm

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa đưa ra một đề xuất liên quan đến điều kiện để được mua nhà ở xã hội. Theo đó, người mua nhà, thuê nhà ở xã hội sẽ không phải đáp ứng về điều kiện thường trú, tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có dự án.

Ảnh: Báo Thanh Niên.

Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, tại Tờ trình Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã chỉ ra, theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện gồm: Nhà ở, cư trú, thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay quy định mới về Luật Cư trú đã bỏ quy định về hộ khẩu. Vì thế, quy định yêu cầu tạm trú và thường trú không còn phù hợp trong thời điểm này nữa.

Bộ Xây dựng còn chỉ ra việc, quy định trên gây ra bất cập, phát sinh thủ tục cho người nghèo, người thu nhập thấp khi họ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ đó. Vì thế, khi mua nhà ở xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo chỉ cần đáp ứng 2 điều kiện là chưa có nhà ở, đất ở hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 10m2. Tất nhiên, về thu nhập thì người muốn mua, thuê nhà ở xã hội thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Vừa đọc được thông tin này, chị Nguyễn Minh Hạnh (quê Ninh Bình) phấn khởi ra mặt. Chị Hạnh chia sẻ, vợ chồng chị vừa chuyển ra Hà Nội làm công nhân tại khu công nghiệp Quang Minh được gần 1 năm. “Hôm nay nghe bạn bè kháo nhau dán nhà ở xã hội tại đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký đợt mua đầu tiên tôi cũng rất muốn mua nhưng ngặt nỗi chưa đủ điều kiện về tạm trú. Trong khi đó, để đợi được lên thường trú thì rất lâu. Việc Bộ Xây dựng đề xuất không cần đăng ký thường trú, tạm trú mà vẫn có thể mua nhà ở xã hội tôi rất mừng. Như vậy là vợ chồng tôi sẽ có thêm cơ hội sở hữu nhà”, chị Hạnh tâm sự.

Chị Hạnh cho biết, một căn chung cư tại Hà Nội là ước mơ của gia đình chị. Trước đây, vợ chồng chị làm công nhân ở KCN Gián Khẩu. Tuy nhiên, chị đọc thông tin thấy một công ty tại khu công nghiệp Quang Minh đang tuyển người, mức lương hấp dẫn hơn nên cả hai vợ chồng đều nộp hồ sơ. Thế rồi, cả hai vợ chồng đều được nhận. Chị Hạnh kể, hiện nay vợ chồng chị đang thuê nhà ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Căn nhà quá chật hẹp nên anh chị gửi 2 cậu con trai ở nhà bà nội để lên đây làm việc. Chị ước mơ có một căn nhà ở xã hội đủ rộng để đón các con lên đây ở cùng.

Đối với chị Hạnh và những người làm công nhân, họ chưa bao giờ dám mơ đến những căn nhà ở thương mại. Bởi những căn hộ này giá vừa đắt lại phải chịu lãi suất ngân hàng cao. Họ chỉ cần một mái ấm bình thường từ các căn chung cư bình dân, nhà ở xã hội và được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất của Nhà nước. Bởi áp lực đè nặng lên vai họ khi mua nhà không chỉ là tiền lãi, gốc ngân hàng mà còn là cơm áo, gạo tiền, các con nữa.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với PV, Luật sư Hà Huy Phong, Viện phó Viện Chính sách Kinh tế Môi trường, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco khẳng định, nhà ở xã hội là một chính sách tốt đẹp của Nhà nước, đảm bảo hiện thực hoá quyền có chỗ ở của công dân. Bên cạnh đó, nhà ở xã hội đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

ĐỐi với người Việt Nam, với nhu cầu "an cư lạc nghiệp" luôn được đặt lên vị trí hàng đầu thì chính sách nhà ở xã hội áp dụng đối với người lao động càng có ý nghĩa hơn. Chính những chính sách này đã đảm bảo sự ổn định của lực lượng lao động, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp yên tâm trong các chính sách lao động của mình.

Luật sư Hà Huy Phong nhấn mạnh, “khách hàng” của các dự án nhà ở xã hội là những người lao động có thu nhập thấp và hầu hết di cư từ địa phương khác tới thành phố lớn. “Tôi cho rằng, việc chúng ta đặt ra các điều kiện và yêu cầu về thường trú, tạm trú là một sự cản trở về mặt hành chính không cần thiết. Bởi nếu áp quy định đó, người lao động phải tìm nhiều cách để có được giấy đăng ký tạm trú, cư trú khi chuẩn bị hồ sơ mua nhà. Điều đó dẫn đến quy định trên cũng không có tác dụng trên thực tế, mà chỉ làm phát sinh những tiêu cực về quản lý.  Việc yêu cầu điều kiện về thường trú, tạm trú làm ngăn cản quyền có chỗ ở của công dân, nặng nề hơn thì có thể coi là vi hiến”, Viện phó Viện Chính sách Kinh tế Môi trường nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Hà Huy Phong, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc quản lý dân cư và cư trú được số hoá, loại bỏ dần các giấy tờ như hộ khẩu, sổ đăng kí tạm trú .... thì cũng nên xem xét bỏ điều kiện về thường trú, tạm trú. Về vấn đề quản lý Nhà nước là phân tán đội ngũ doanh nghiệp, nhà máy sản xuất về các tỉnh thành và địa phương để giãn mật độ tập trung của người lao động tại thành phố lớn, chứ không phải là tìm cách hạn chế quyền của người lao động.

Luật sư Phong nói rằng, các cơ quan hữu quan cần xây dựng cơ chế hiệu quả để nhà ở xã hội được trả về tay người lao động có nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội, chứ không phải để trở thành một loại hàng hoá thương mại lưu thông trên thị trường như hiện nay. Có hiện tượng trục lợi chính sách để mua bán nhà ở xã hội của những người không thuộc diện hưởng chính sách tốt đẹp này. Bởi lẽ đó, việc bỏ điều kiện về thường trú, tạm trú là hợp lý.