Bích Ngọc ·
1 tuần trước
 10023

Chuyên gia nói gì về đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt?

Mới đây, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.

Theo đó, Tổng cục Thuế cho hay, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng. Trong đó, giải pháp đáng chú ý là rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

Tổng cục Thuế cho biết, kể từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Sau hơn một năm triển khai, đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, cùng với đó quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đề xuất của Tổng cục Thuế là rất tốt và minh bạch. Tuy vậy, rất khó để thực hiện, tính khả thi thấp do không phải 100% người mua vàng đều là để đầu tư và mua với số lượng lớn.

Ông Long cho biết, hiện nay, ở nước ta người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán do đó việc cấm dùng tiền mặt đối với bất kỳ giao dịch nào là điều không khả thi.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam các đối tượng mua vàng cũng rất phong phú, có nhiều người là người già, người dân ở vùng nông thôn, họ mua vàng để tích trữ phòng các trường hợp rủi ro, hoặc mua để biếu, tặng với số lượng nhỏ từ 0,5 đến một vài chỉ vàng và những đối tượng này thường không hiểu biết về công nghệ, không có điện thoại thông minh để giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản.

Vị chuyên gia này cho rằng, đề xuất này chỉ phù hợp với những đối tượng mua vàng để đầu tư, mua với số lượng lớn. Được biết, quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền hiện hành, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước vì thế nếu các cấp có thẩm quyền muốn sử dụng biện pháp quản lý này thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như: Quy định một hạn mức cụ thể bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt. 

Cũng theo ông Long, quy định thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch vàng từ 200 triệu đồng trở lên thì sẽ khả thi và phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh các ý kiến chưa thật sự đồng tình, cũng có nhiều chuyên gia ủng hộ phương án hạn cấm thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng. Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt nên áp dụng cho cả các giao dịch vàng vì đây là quy định hiệu quả để phòng chống rửa tiền.

Ông Hiếu cho biết, vàng là một trong những kênh để rửa nguồn tiền bẩn. Những nguồn thu từ hoạt động trốn thuế, tham ô, phạm pháp khác… đều có thể sử dụng qua kênh vàng để rửa bởi giá trị lớn và không cần đứng tên sở hữu. Vàng được mua bằng tiền mặt, sau đó bán ra bằng hình thức chuyển khoản để hợp thức.

Chính vì thế, theo ông Hiếu, khi mua vàng thì cần chuyển khoản mà không chờ đến giá trị lớn mới thanh toán không dùng tiền mặt. Với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay thì những giao dịch vàng nên thực hiện chuyển khoản.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, các cửa hàng kinh doanh vàng thường còn có hoạt động mua bán ngoại tệ, nhiều nơi là trái phép nên nếu áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ khó khăn. Những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, giúp cho hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn.

Trước đó, khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt để phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng, chống hoạt động rửa tiền.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7755585627834459