Bích Ngọc ·
7 tuần trước
 10097

Chuyên gia nói gì về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần?

Được biết, Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần, đồng thời đề xuất nhiều bộ ngành phối hợp điều hành giá điện.

Mới đây, Bộ Công Thương đã gửi Thủ tướng Chính phủ tờ trình dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.  

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất một số nội dung mới để lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Trong đó, để điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để giảm thiểu tác động đến kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương cho rằng cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Về lợi nhuận định mức trong giá điện, Bộ Công Thương cho hay, sẽ không thực hiện việc quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức. Đồng thời đã rà soát các quy định và các góp ý của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính.

Về việc chủ trì, phối hợp trong điều hành giá điện, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì kiểm tra, rà soát. Bộ Tài chính giữ trách nhiệm phối hợp ở khía cạnh là cơ quan quản lý nhà nước về giá.

Trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất giá điện được tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây như chênh lệch tỉ giá. Dự kiến thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Có nghĩa là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.

Với trường hợp giá bán điện bình quân nằm ngoài khung giá, sẽ chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng quy định, nên dự thảo mới không còn quy định các trường hợp giá bán điện bình quân tính toán ngoài khung giá. 

Đề xuất giá bán lẻ điện bình quân sẽ có tăng giá, giảm giá với biên độ cụ thể cũng được giữ như dự thảo trước đó. Trường hợp các thông số đầu vào các khâu như phát điện, truyền tải, phân phối... làm giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Còn khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì được phép điều chỉnh tăng. EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Về thẩm quyền điều chỉnh giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tự quyết định việc giảm hoặc tăng ở mức dưới 5%; Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh, tăng từ 5% đến dưới 10%; Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến để EVN quyết định điều chỉnh khi tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. 

Bộ Công Thương vẫn sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Đồng thời cũng là cơ quan hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, thực hiện việc điều chỉnh giá điện, chủ trì kiểm tra, giám sát.

Bộ Công Thương sẽ có vai trò chính trong điều hành giá điện, song Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng có vai trò trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng.

Đề xuất rút xuống 3 tháng điều chỉnh một lần liệu có thực hiện được không?

Theo ông Ngô Trí Long, 6 tháng điều chỉnh một lần là "tương đối hợp lý" và nên được áp dụng đúng. Theo ông, chu kỳ 6 tháng thay đổi là hợp lý, chỉ cần làm đúng quy định này là ổn. Chuyên gia này cũng cho rằng rút ngắn xuống 3 tháng tạo sự xáo trộn, hoang mang cho người dân khi cứ 1 quý tăng giá điện một lần.

Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cũng cho rằng, việc quy định 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần không cần thiết nếu điện được điều tiết theo cơ chế thị trường. Có thị trường mua bán rõ ràng, không có yếu tố độc quyền thì không cần thời gian bao lâu để điều chỉnh nữa. Thế nhưng thị trường điện vẫn đang vận hành theo mô hình độc quyền, trong khi đó EVN vừa sản xuất và kinh doanh điện. 

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, không ổn khi trao quyền được tăng đến 5% giá bán lẻ điện bình quân vào tay một doanh nghiệp độc quyền. Giả sử, EVN chứng minh được chi phí đầu vào tăng đấy, có biến động, cứ mỗi quý tăng 5% thì 1 năm tăng 20%? Nếu cho quy định vậy, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu, có quyền tăng giá vậy điện đâu còn là mặt hàng "nhạy cảm" nữa. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Bộ Công thương nên cân nhắc đề xuất này mà thay vào đó, sửa đổi luật để tiến đến một thị trường mua bán điện công khai, minh bạch hơn. Đồng thời, khiến người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong mua bán điện hơn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7520555871337437/?