Bích Ngọc ·
1 năm trước
 4084

Chuyển sang cơ quan điều tra vụ gửi tiền ngân hàng SCB thành mua bảo hiểm Manulife

Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có phiếu chuyển đơn tố giác của người dân tới cơ quan điều tra Bộ Công an về việc gửi tiền tiết kiệm tại SCB nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife.

Chiều 6/2, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Trong đó, các đơn thư đồng loạt cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm. Từ đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo, buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Nhiều người có đơn tố giác về việc gửi tiền tiết kiệm tại SCB nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife. Nguồn ảnh: Internet.

Được biết, hiện đơn đã được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm chuyển tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.

Trước đó, theo Báo Tiền Phong, việc gửi tiết kiệm bị nhân viên bảo hiểm tư vấn lập lờ thông tin đã được nhiều người dân phản ánh. Trong đó, theo chị Diễm Trinh - một trong những khách hàng khi đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị tư vấn viên lập lờ chuyển sang mua gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Manulife, thời gian qua chị đã ròng rã đi đòi lại tiền gửi tiết kiệm thế nhưng vẫn không nhận được trả lời thỏa đáng.

Chị Trinh cho biết, tư vấn viên của Ngân hàng SCB và Manulife đã làm sai quy trình tư vấn cho khách hàng. Nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng SCB tư vấn bảo hiểm cho nhiều khách hàng, thế nhưng người đứng tên ký hợp đồng sau đó lại là nhân viên bảo hiểm khác mà trước đó khách hàng không hề biết. Không những thế, khách hàng được các tư vấn viên tự ý điền thông tin không đúng với thu nhập thực tế, khai khống con số và thậm chí giả mạo chữ ký của khách hàng trong một số giấy tờ. Chị cũng cho biết sẽ sẵn sàng cung cấp bút tích để công ty đối chiếu hoặc làm giám định nét bút để chứng minh.

Cũng theo bà Tạ Thị Thanh Sơn 58 tuổi (Hà Nội), bà bị kê khống thu nhập 120 triệu/tháng dù chỉ ở nhà nội trợ. Bà Sơn cho biết, tư vấn viên không nói rõ đây là hợp đồng bảo hiểm, không phân tích nhu cầu, không phân tích tài chính, không tư vấn đúng giá trị của bảo hiểm trong quá trình tư vấn mà chỉ tập trung vào lãi suất sẽ nhận được. Thậm chí bà đã nói rõ với tư vấn viên là không tham gia bảo hiểm nhưng tư vấn viên cố tình đánh tráo khái niệm, lừa khách hàng đây chỉ là sản phẩm đầu tư mà SCB kết hợp với Manulife và gói bảo hiểm là quà tặng kèm. Hiện tại, đại diện Manulife vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này.

Gửi tiết kiệm biến thành bảo hiểm nhân thọ, người dân căng băng rôn trước văn phòng Manulife. Nguồn ảnh: Internet.

Nói về Manulife, đã rất nhiều lần công ty này dính vào những lùm xùm, tố cáo của khách hàng. Trước đó, ngày 25/5/2020 có khách hàng đã tố Manulife vì từ chối giải quyết, không thanh toán tiền bảo hiểm khi con nhỏ mất. Theo đó, bà mẹ trẻ này cho biết đã mua bảo hiểm cho con nhưng sau khi bé mất, gia đình chờ đợi Manulife thực hiện quyền lợi bảo hiểm thế nhưng không thấy phản hồi tích cực nào. Nhiều cư dân mạng tỏ ra bất bình thay cho chị, đặc biệt có một số người buông lời "chỉ trích" Manulife vì sự vô trách nhiệm. Bên cạnh đó, Báo Tiền Phong cũng đã từng phản ánh về tình trạng người dân gửi tiền tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm nhân thọ Manulife. Thông tin tiêu cực về Manulife đang tràn lan trên mạng xã hội, từ khóa “Manulife có lừa đảo không?” được tìm kiếm đông đảo. Trước những vụ việc trên, khách hàng cần có những phán đoán và suy tính kỹ lưỡng rồi mới đưa ra sự lựa chọn cho mình để tránh rơi vào những thiệt hại.

Trước tình trạng hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm, nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng trong thời hạn ít nhất 5 năm để đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm qua kênh ngân hàng, dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm đang được lấy ý kiến..

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi quyết định phát hành hợp đồng đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là trên cơ sở tự nguyện.

Nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ, kịp thời phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm nếu có.