Kỳ vọng trở thành nguồn năng lượng lớn nhất vào năm 2025
Theo các chuyên gia môi trường, năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu trong tương lai, giúp giảm phát thải CO2 ra môi trường, qua đó góp phần bảo vệ Hành tinh xanh của nhân loại.
Kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu năng lượng Ember cho thấy, sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch đã không tăng thêm 4% nhờ các nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng đủ nhu cầu điện gia tăng của thế giới. Qua việc phân tích dữ liệu của 75 quốc gia chiếm 90% tổng lượng tiêu thụ điện toàn cầu, Ember nêu rõ nhu cầu điện trên thế giới tăng 389 TWh trong khoảng thời gian nửa năm, trong khi điện gió, điện mặt trời và thủy điện cũng tăng 416 TWh.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang góp phần đẩy nhanh việc triển khai sử dụng năng lượng tái tạo, mở ra hy vọng cho những nỗ lực nhằm đạt các mục tiêu tham vọng về khí hậu toàn cầu. Báo cáo của IEA nhận định, tổng công suất năng lượng tái tạo toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới và vượt qua than đá để trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất vào năm 2025.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho hay, năng lượng tái tạo vốn đang mở rộng nhanh chóng thì cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu xảy ra, góp phần đưa tiến trình này sang một giai đoạn mới tăng trưởng nhanh hơn. Trong 5 năm tới, công suất năng lượng tái tạo thế giới sẽ tăng tương đương mức tăng của cả 20 năm trước. Ông cho rằng, đây là thí dụ rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt để hướng tới tương lai năng lượng sạch và bền vững.
Năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất vào năm 2025.
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông qua kế hoạch trị giá 28 tỷ euro (29,7 tỷ USD) của Chính phủ Đức, nhằm hỗ trợ năng lượng tái tạo, qua đó tăng cường mở rộng việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Kế hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EC Margrethe Vestager (M.Ve-xta-giơ) khẳng định, Đạo luật Năng lượng tái tạo năm 2023 của Đức sẽ góp phần khử nhiều carbon hơn trong sản xuất điện, giảm lượng khí thải đang làm Trái Đất ấm lên.
Trong khi đó, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ tăng gần gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện và tăng gấp ba lần tốc độ mở rộng điện tái tạo (trên mặt nước, trên đất liền và trên mái nhà) trong đó tới năm 2032, các bang phải dành ít nhất 2% diện tích đất xây dựng các nhà máy điện gió.
Dự báo, tỷ trọng của điện tái tạo trong hỗn hợp điện sẽ tăng 10 điểm phần trăm trong giai đoạn dự báo, đạt khoảng 38% vào năm 2027. Năng lượng tái tạo là nguồn phát điện duy nhất có tỷ trọng dự kiến tăng, trong khi tỷ trọng điện năng của than, khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và dầu mỏ suy giảm. Sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm tới và chiếm gần 20% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2027.
Theo đó, những công nghệ đổi mới này chiếm 80% mức tăng toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo trong giai đoạn dự báo trong yêu cầu bổ sung những nguồn linh hoạt cho hệ thống điện. Năng lượng tái tạo có thể quy hoạch cấp nhà nước như thủy điện, năng lượng sinh học, địa nhiệt và năng lượng mặt trời tập trung sẽ chậm hơn so với tốc độ mở rộng năng lượng mặt trời và gió cao, mặc dù nguồn năng lượng quy hoạch cấp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong chương trình tích hợp điện gió và điện mặt trời vào hệ thống lưới điện toàn cầu.
Cơ hội cho các nhà đầu tư điện sạch tại Việt Nam
Việt Nam đã có những bước tiến nhanh trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, theo Phó tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Năng lượng của VinaCapital.
Chỉ trong vòng 5 năm và với xuất phát điểm gần như con số 0, lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã phát triển và có công suất điện mặt trời 16,5GW và công suất điện gió là 4GW tính đến cuối năm 2021. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 27% tổng công suất lắp đặt và 12% điện sản xuất. Với sự phân bổ công suất đầy hứa hẹn trong Quy hoạch Điện VIII và cam kết của Chính phủ về mục tiêu net-zero vào năm 2050, năng lượng tái tạo sẵn sàng trở thành một phần quan trọng cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Phó tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Năng lượng của VinaCapital cho biết, thị trường Năng lượng tái tạo Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài sau cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Cop 26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng sự phân bổ công suất trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Tuy nhiên, những vướng mắc về khung pháp lý, khả năng tài chính và năng lực vận hành có thể trở thành thách thức đối nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này.
Việt Nam cam kết tăng công suất năng lượng từ các nguồn tái tạo, đồng thời tạo điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi. Đây có thể là cơ hội quý giá cho các nhà đầu tư và phát triển năng lượng gió.
Bất chấp những thách thức này, thị trường Việt Nam có những yếu tố thuận lợi để các nhà đầu tư và nhà phát triển điện gió có thể tìm được nhiều cơ hội lớn. Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, Chính phủ cũng đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió. Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FIT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Khoa - Phó tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Năng lượng của VinaCapital cho rằng, để thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược nhằm khơi thông nguồn lực tài chính trong lĩnh vực năng lượng xanh, Việt Nam cần kịp thời đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư ổn định, nhằm mang lại tỷ lệ sinh lời hợp lý Thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách đủ dài và tương đối ổn định với thủ tục pháp lý rõ ràng để thu hút hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đồng thời, theo ông Khoa, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển về năng lượng tái tạo trong việc xây dựng và hình thành cơ chế giá cho các nguồn năng lượng mới như hydro xanh, điện gió ngoài khơi hoặc hình thức mua bán điện trực tiếp, đấu giá điện. Việc phát triển nguồn nhân lực có nghiệp vụ và chuyên môn cao cũng cần được ưu tiên để có thể hỗ trợ trao đổi với nhà đầu tư khi họ tìm hiểu về các cơ hội tham gia thị trường Việt Nam. |