Trình bày tờ trình tại Phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua và đặc biệt là năm 2022 với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Năm 2023 Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
“Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế” – ông Hồ Đức Phớc nói.
Chính phủ dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Nhưng chính sách này sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023...
Nhiều lĩnh vực mở rộng bị phản đối
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Vân Chi cho biết, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15, Dự thảo của Chính phủ đã mở rộng phạm vi giảm thuế GTGT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin,… Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.
Theo Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2022 khi ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế GTGT.
“Vào thời điểm hiện nay, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế GTGT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15” – bà Nguyễn Vân Chi cho biết.
Hàng hóa, dịch vụ cần được giảm
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, lại cho rằng cần mở rộng đối tượng hỗ trợ theo hướng giảm 2% cho hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10%, không loại trừ đối với một số hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khoáng sản, không kể khai thác than (than cấp, dầu mỏ tinh chế), sản phẩm hóa chất và sản phẩm hàng hóa và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Bởi đây cũng là những lĩnh vực khó khăn, cần kích cầu tiêu dùng nên không loại trừ. Bên cạnh đó, đề nghị báo cáo thêm về sự cần thiết giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất VAT 5%.
Cũng tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất giảm thuế VAT vào thời điểm tháng 5/2023 là tương đối muộn, làm cho giải pháp giảm thuế suất thuế VAT không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không thật sự phát huy tác dụng đối với khu vực doanh nghiệp.
Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn tác động chính sách giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa dịch vụ có thuế suất 10% và tác động đến kích thích tiêu dùng như thế nào; đồng thời, tác động của chính sách đến giảm thu ngân sách nhà nước, để đại biểu Quốc hội có thêm thông tin.