Nếu giá cả phù hợp với khả năng kinh tế, người dân vẫn muốn mua loại hình này thì cần cân nhắc cách thức trong từng trường hợp cụ thể.
Mới đây, dữ liệu của một hãng nghiên cứu bất động sản cho biết giá rao bán một căn hộ chung cư tại Hà Nội trung bình mức 3,1 tỷ đồng. Với mức thu nhập trung bình người lao động Hà Nội là 135 triệu đồng/năm thì phải mất 23 năm mới có thể mua một căn hộ chung cư.
Thực tế, tại một số dự án chung cư chưa có sổ hồng, căn hộ được rao bán với mức giá khá dễ chịu. Không ít người có ý định chấp nhận mạo hiểm mua để ở. Vậy việc mua những tài sản này có rủi ro gì về pháp lý hay không?
Luật sư Đoàn Trung Hiếu - Văn phòng luật sư Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng - thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chung cư chưa được cấp sổ hồng.
Ví dụ như chủ đầu tư dự án không cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý hoặc giấy tờ không minh bạch, rõ ràng. Chủ đầu tư không thể hoàn thành công trình hoặc hoàn thành nhưng không giống với thiết kế ban đầu đã đăng ký trong giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư sử dụng dự án chung cư để thế chấp vay vốn ngân hàng. Hoặc trường hợp khác là xảy ra tranh chấp về quy hoạch của dự án, chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính và pháp lý với Nhà nước.
Những rủi ro khi mua chung cư giá rẻ chưa có sổ hồng
Nếu mua phải căn hộ chung cư chưa có sổ hồng, bạn luôn có nguy cơ đối mặt các rủi ro. Nếu mua căn hộ chung cư tại dự án chủ đầu tư có uy tín thấp thì nguy cơ không có sổ hồng là rất cao.
Rủi ro lớn nhất là người dân sẽ không được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp căn hộ và quyền sử dụng đất gắn liền với dự án chung cư đó. Vì vậy khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến tài sản này sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Người mua cũng dễ gặp rủi ro cao khi giao dịch ở thị trường thứ cấp nếu thỏa thuận dưới hình thức hợp đồng ủy quyền quản lý sử dụng (có công chứng). Loại hợp đồng này chỉ thể hiện quyền quản lý nhà ở chứ không thể thay thế cho hợp đồng mua bán nhà ở. Điều này có nghĩa là từ người chủ thứ cấp (thứ hai trở đi) chỉ được ủy quyền sử dụng căn hộ. Nếu chủ đầu tư cấp sổ đỏ thì người chủ đầu tiên mới là người đứng tên trên giấy tờ. Do đó, chủ đầu tiên có thể không hợp tác sang tên cho chủ mới nhằm đòi tăng giá.
Ngoài ra, người nhận chuyển nhượng có thể gặp nhiều rủi ro không lường trước được như hai bên mua bán mất liên lạc với nhau, người bán qua đời hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Những trường hợp này sẽ không thể xác lập được quyền sở hữu trên thực tế của mình đối với căn hộ chung cư đó.
Bên cạnh đó, trong thời gian chưa có sổ đỏ, người mua cũng không thể vay tiền ngân hàng bằng cách thế chấp căn hộ.
Mua chung cư chưa có sổ đỏ, người dân không thể vay tiền ngân hàng bằng cách thế chấp căn hộ. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Có nên mua chung cư chưa có sổ hồng hay không?
Việc mua chung cư chưa có sổ hồng tiềm ẩn rất rủi ro, mạo hiểm. Trường hợp chung cư chưa có sổ hồng nhưng giá cả phù hợp với khả năng kinh tế, người dân vẫn muốn mua thì cần cân nhắc cách thức trong từng trường hợp cụ thể.
Mua chung cư trực tiếp từ chủ đầu tư:
Người mua phải trực tiếp ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Trường hợp tại thời điểm bàn giao căn hộ mà bạn vẫn chưa được giao sổ hồng thì hợp đồng mua bán căn hộ cần phải được công chứng để đảm bảo tính pháp lý. Ngoài ra, trong hợp đồng phải nêu rõ thời điểm bàn giao sổ hồng. Để thêm tính ràng buộc, bạn cũng nên đàm phán với chủ đầu tư trong hợp đồng mua bán căn hộ việc bạn giữ lại một phần giá trị của hợp đồng cho đến khi nhận được sổ hồng mới thanh toán.
Thứ hai, mua căn hộ từ chủ đầu tư thứ cấp:
Nếu bạn mua lại căn hộ chung cư từ chủ đầu tư thứ cấp thì phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định tại Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, tương tự như khi mua căn hộ không có sổ hồng của cá nhân hay hộ gia đình, trong trường hợp này, hai bên mua bán nên lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà chung cư ở văn phòng công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch và đảm bảo sự an toàn cho người mua nhà.
Thứ ba, mua nhà căn hộ chung cư từ cá nhân hoặc hộ gia đình:
Nếu bạn mua từ cá nhân hoặc hộ gia đình, khi công chứng hợp đồng cần yêu cầu người bán phải xuất trình hợp đồng mua bán căn hộ chung cư với chủ đầu tư trước đó để đảm bảo tính pháp lý của căn nhà.
Trong trường hợp căn hộ chung cư đó đã được mua bán nhiều lần, khi công chứng thì hai bên phải xuất trình hợp đồng mua bán lần gần nhất và quá trình mua bán phải được thông qua chủ đầu tư bởi có những trường hợp sẽ bị vô hiệu hóa nếu như bỏ qua xác nhận của chủ đầu tư.
Trường hợp này có khá nhiều rủi ro do vậy hai bên mua và bán cần thực hiện giao dịch ở phòng công chứng để đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi cho cả hai bên, đặc biệt là bên mua nhà.