Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được đánh giá đã sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2014 theo hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo đó, lần đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; Phân cấp triệt để cho địa phương.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa).
Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM) đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện hành phân cấp các Bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo ĐTM).
Đồng thời quy định các Bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả. Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành.
Được biết, theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP, thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM thuộc về các cơ quan sau:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án:
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;
- Dự án do Chính phủ giao thẩm định.
Danh mục dự án thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt của Bộ Tài Nguyên & Môi trường được quy định cụ thể tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP, trừ các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ: Tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ và cơ quan ngang Bộ khác.