Lan Anh ·
3 năm trước
 5622

‘Con người là trọng tâm của quá trình phục hồi, là mục tiêu của sự phát triển’

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi phát huy tối đa nguồn lực con người, người dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển.

Cấp bách tìm kiếm giải pháp phục hồi và phát triển bền vững hậu Covid-19

Sáng nay (6/12), Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến bởi Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành.

Với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỉ nguyên số", đây là diễn đàn lớn nhất về công nghiệp 4.0 được tổ chức thường niên tại Việt Nam, thu hút hàng ngàn đại biểu trong nước và quốc tế.

Năm 2021, diễn đàn tiếp tục được tổ chức và là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hậu Covid-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

‘Con người là trọng tâm của quá trình phục hồi, là mục tiêu của sự phát triển’ - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến cả cung và cầu. Lần đầu tiên tăng trưởng quý III năm 2021 giảm sâu (-6,17%), đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ước đạt 2-2,5%.

Dự báo dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường; Nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

“Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Việt Nam đã chọn cách tiếp cận toàn dân trong phòng chống dịch bệnh. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo đủ vaccine, thuốc điều trị, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt doanh nghiệp và tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược trên nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi phát huy tối đa nguồn lực con người, người dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; Tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

Công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 còn nhiều trở ngại lớn

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000-2019. Về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 67/142 nền kinh tế, tăng 10 bậc trong 2 năm 2018 và 2019; Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2021 đứng thứ 44/126 quốc gia.

‘Con người là trọng tâm của quá trình phục hồi, là mục tiêu của sự phát triển’ - Ảnh 2
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn biến rất nhanh với nhiều đột phá. (Ảnh: baodautu.vn)

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 và thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn. Đó là mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; Tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; Vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; Chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng.

Trong khuôn khổ phiên diễn đàn cấp cao sẽ diễn ra tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận tập trung vào 2 nhóm nội dung lớn: Thảo luận, đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.

Trên cơ sở đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách công nghiệp hóa - hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn biến rất nhanh với nhiều đột phá, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

“Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỉ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; Đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch Covid-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Nguồn