Tạ Nhị ·
1 năm trước
 6907

Công tác tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược tại các tỉnh được triển khai ra sao?

Công tác lập quy hoạch tỉnh trong hệ thống quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang bước vào giai đoạn “nước rút”, trong đó công tác tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược tại các tỉnh cũng được triển khai đồng bộ và quyết liệt.

Bắc Giang là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Vai trò, vị thế của quy hoạch tỉnh trong hệ thống quy hoạch

Hiện nay, Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch đang được triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có tỉnh đã được phê duyệt, có tỉnh mới bắt đầu triển khai. Quy hoạch tỉnh là một khâu quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý tổng hợp về quy hoạch phát triển trên địa bàn tình, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, do là lần đầu triển khai nên vị thế của quy hoạch tỉnh trong hệ thống quy hoạch chưa thực sự được hiểu thống nhất giữa các địa phương, dẫn đến cách triển khai lập quy hoạch tỉnh, kết quả của quy hoạch tỉnh và sau này là cách thức sử dụng quy hoạch tỉnh trong quản lý phát triển tại tỉnh có thể sẽ khác nhau. Chính vì vậy, cần phải làm rõ được vai trò, mục tiêu, sự tương tác của quy hoạch tỉnh với các quy hoạch khác bao gồm các quy hoạch cấp trên (theo Luật Quy hoạch) cũng như các quy hoạch cấp dưới (theo Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các luật khác có liên quan).

Trong khi quy hoạch tổng thể quốc gia được nghiên cứu trên không gian toàn quốc và được nghiên cứu sâu hơn theo các ngành lĩnh vực thông qua các quy hoạch cấp quốc gia khác như: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch  không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nhằm cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia với mục tiêu đưa ra các định hướng, chiến lược tầm quốc gia cho Chính phủ và các bộ ngành thì quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được thực hiện trên một địa bàn nhỏ hơn và mặc dù vẫn có thể có các quy hoạch có tính kỹ thuật, chuyên ngành nhằm cụ thể hóa quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, nhưng cơ bản đây là quy hoạch duy nhất được lập trên một ranh giới cụ thể.

Có thể thấy, quy hoạch tỉnh là một quy hoạch quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia giúp cho chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có được các định hướng, chiến lược phát triển địa phương trong thời kỳ quy hoạch. Quy hoạch tỉnh vừa phải đảm bảo xây dựng được khung định hướng phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa phải đảm bảo tính linh hoạt, tạo dư địa cho các quy hoạch cấp dưới, cũng như các công cụ khác như đề án, chương trình phát triển ngành, lĩnh vực có thể đưa ra phương án, giải pháp phát triển cụ thể của ngành, địa phương.

Để cho quy hoạch tỉnh phát huy được tầm quan trọng cùng với quy định quy hoạch cấp dưới phải phù hợp quy hoạch cấp trên thì các quy hoạch cấp trên cũng phải được giới hạn về mức độ cụ thể, chi tiết. Đồng thời cần tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, các ngành, lĩnh vực cần giảm sự can thiệp sâu vào quá trình lập quy hoạch mà chỉ nên thực hiện đúng nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên như quy hoạch tại Luật Quy hoạch.

Công tác tham vấn ĐMC tại các tỉnh

Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được triển khai quyết liệt tại các địa phương, được kỳ vọng như là một đồ án quy hoạch toàn diện, tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đối với việc lập đồ án quy hoạch tỉnh, các địa phương hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tại một số địa phương, triển khai lập các đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, sau đó đề xuất tổng hợp lại thành đồ án quy hoạch tỉnh. Như vậy, cũng sẽ khó có được những đột phá lớn trong định hướng phát triển không gian, tầm nhìn của tỉnh.

Đối với công tác tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược tại các tỉnh cũng được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Đến nay có 6 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên. Các tỉnh còn lại đang khẩn trương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Điển hình như tỉnh Long An, với sự hỗ trợ, cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ liệu, số liệu, các tài liệu liên quan sẵn có của tỉnh Long An, cùng với sự trao đổi thông tin, phối hợp, thảo luận giữa nhóm lập ĐMC, nhóm lập Quy hoạch tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An đã giúp xem xét đúng các vấn đề môi trường, xã hội trong lập Quy hoạch, vì thế các đề xuất của Quy hoạch đều dựa trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động môi trường, xã hội và biến đổi khí hậu.

Tiến độ thực hiện của ĐMC đã bám sát với tiến độ lập quy hoạch tỉnh để đưa ra những đề xuất, kiến nghị kịp thời từ góc độ môi trường. Trên cơ sở các kiến nghị của nhóm ĐMC, nhóm Quy hoạch tỉnh thống nhất các nội dung điều chỉnh, hoàn thiện các nội dung Quy hoạch cho phù hợp.

Hay công tác tham vấn báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát các quan điểm, định hướng, mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Đảng và Chính phủ đề ra.

Theo Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường được Tỉnh lựa chọn đều phù hợp với một số định hướng, chiến lược lớn của đất nước như: Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…Về vấn đề môi trường chính, Báo cáo đưa ra các vấn đề về suy giảm tài nguyên và chất lượng nước; suy giảm chất lượng môi trường do gia tăng chất thải rắn; suy giảm chất lượng không khí; ô nhiễm và suy thoái môi trường đất; suy giảm tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; biến động môi trường xã hội.

Tham vấn Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Báo cáo ĐMC của quy hoạch tỉnh Kon Tum, một số nội dung chính của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường được xác định là phát triển nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp, công nghiệp khai thác và chế biến khoảng sản, công nghiệp cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện,

Các vấn đề môi trường chính liên quan đến quy hoạch được xem xét gồm: suy giảm tài nguyên và chất lượng nước; suy giảm tài nguyên và môi trường đất; suy giảm hệ sinh thái rừng tự nhiên và đa dạng sinh học; suy giảm chất lượng môi trường do gia tăng phát sinh chất thải rắn; biến động môi trường xã hội, di cư; gia tăng rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Việc xây dựng các công trình du lịch, khách sạn, xây dựng giao thông đang làm thay đổi cảnh quan, tài nguyên đất, gây hư hại đối với di tích lịch sử văn hóa, tăng lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường đất; các hệ sinh thái rừng dễ bị tổn thương do các hoạt động du lịch bị suy giảm gây nguy cơ xói mòn đất.

Việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 nói chung, quy hoạch tỉnh nói riêng cần nhận diện các yếu tố mới, trong điều kiện, hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức. Từ bối cảnh mới, cần nhận ra đâu là cơ hội, đâu là thách thức mới, sẵn sàng ứng phó vượt qua các thách thức, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Do đó, , Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả cơ quan lập quy hoạch và các cơ quan, đơn vị liên quan ưu tiên nguồn lực cho công tác lập quy hoạch tỉnh; tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành trong việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh.

Theo Tạ Nhị - Diễn đàn sự thật