Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-XPVPHC vào ngày 10/1/2023 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình (địa chỉ: 889 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) với số tiền 100 triệu đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình có hành vi vi phạm không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật (Công ty không thực hiện công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Báo cáo tài chính năm 2020, 2021 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2020, 2021; Nghị quyết, Biên bản và tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2021, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 2021).
Về Công ty CP Dầu thực vật Tân Bình, Công ty đã trải qua 50 năm hình thành và phát triển, đạt được nhiều danh hiệu lớn như giải thưởng thương hiệu mạnh 2022, hàng Việt Nam chất lượng cao, Vào vàng Đất Việt... cùng nhiều sản phẩm của đơn vị được xuất sang các thị trường lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông Trần Chí Tâm - Giám đốc Kinh doanh Công ty, để có được sự thành công đó đơn vị thực hiện công cuộc cải tổ với tâm huyết, sức lực và sự đồng lòng của cả “gia đình” Nakydaco.
Phát triển vượt bậc trong năm 2022 nhưng Nakydaco liệu có bền vững? Nguồn ảnh: Internet.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Công ty, tổng tài sản của Nakydaco đã tăng gần gấp 3 lần (từ 355 tỷ đồng hồi đầu năm lên 906 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong năm 2022 là hơn 118 tỉ đồng, so với hồi năm ngoái gấp 5 lần. Tuy vậy, vào cuối năm 2022 vay và nợ thuế tài chính tăng từ 30 tỷ đồng hồi đầu năm lên tới gần 1.759 tỷ đồng.
Dựa vào thuyết minh tài chính của Nakydaco cho thấy, đơn vị có 2 lần vay của ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Tân Bình với tổng số tiền gần 399 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, có gần 365 tỷ đồng vay trong thời hạn 4 tháng với lãi suất 4,5%.
Trong số tổng tài sản của Nakydaco là 906 tỷ đồng thì có tới gần 653 tỷ đồng nợ phải trả ngắn hạn (chiếm 72 % tổng tài sản). Nợ phải trả tính đến ngày 31/12/2022 của Nakydaco so với hồi đầu năm tăng gấp 3 lần. Trong đó, số nợ phải trả này cũng gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu (220 tỷ đồng).
Theo TS Kinh tế Nguyễn Minh Khang - giảng viên trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, trên lý thuyết tỉ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào doanh nghiệp có thể chi trả cho các hoạt động. Nếu hệ số này lớn hơn 1, thông thường tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, và ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu.
Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Tỉ lệ này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Trên thực tế, nếu so với nguồn vốn chủ sở hữu nợ phải trả chiếm quá nhiều có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, để quyết định có cho doanh nghiệp vay hay không, các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ tỷ lệ nợ (và một số chỉ số tài chính khác).
Vì thế, nhiều nhà đầu tư đang lo ngại Nakydaco có mức tăng trưởng tài chính ấn tượng trong năm 2022 nhưng liệu với những khoản nợ phải trả đang cao hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu có khiến doanh nghiệp phát triển kinh tế thiếu bền vững và có thể gặp khó khăn trong năm 2023?