Huyền My ·
2 năm trước
 3615

COP27: Tài chính khí hậu là vấn đề then chốt

Chủ tịch COP27 Sameh Shukri nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chương trình nghị sự chính thức của COP dành một đề mục riêng cho vấn đề cấp bách là các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cần thiết để thu hẹp khoảng cách, khắc phục tổn thất, thiệt hại do BĐKH gây ra.

Thu hẹp những khoảng cách, khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu

Mới đây, ngày 6/11, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Arab Ai Cập. Với chủ đề "Together For Implementation" (Cùng nhau thực thi các cam kết), COP27 dự kiến tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp để đẩy nhanh việc cắt giảm lượng khí thải carbon và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo IPCC đưa ra năm 2022, các nhà khoa học ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây là các năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Theo ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, đây là những dấu hiệu cầu cứu từ Trái Đất.

Tại phiên khai mạc Hội nghị COP27, ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP27 kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Trong đó, lần đầu tiên vấn đề bồi thường khí hậu được đưa ra thảo luận tại Hội nghị COP27. Trong tuyên bố tại phiên khai mạc, Chủ tịch COP27 Sameh Shukri nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chương trình nghị sự chính thức của COP dành một đề mục riêng cho vấn đề hết sức cấp bách là các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cần thiết để thu hẹp những khoảng cách, khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Arab Ai Cập ngày 6/11.

Việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự chính thức phản ánh tinh thần đoàn kết và sẻ chia với những khó khăn, mất mát mà các nạn nhân của những thảm họa liên quan biến đổi khí hậu phải chịu đựng. Ông lưu ý, đây cũng là cách trả "món nợ" tinh thần cho những nhà hoạt động và các tổ chức bảo vệ môi trường đã kiên trì đề nghị đưa vấn đề tổn thất và thiệt hại ra thảo luận tại các hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Dù ít có hoạt động góp phần làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu nhất nhưng các nước nghèo lại đang hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất của tình trạng này. Vấn đề các nước giàu hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo dễ chịu tác động khắc phục tổn thất và thiệt hại cũng là một trong những nội dung được cho là sẽ gây nhiều căng thẳng trong hội nghị lần này.

Chuyển đổi năng lượng trong ứng phó biến đổi khí hậu

Là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam còn nhiều khó khăn, đặc biệt hiện ở Việt Nam còn có các nhà máy điện vận hành bằng than đá đã được xây dựng từ rất lâu, do đó chuyển đổi năng lượng đòi hỏi nguồn lực rất lớn để hỗ trợ cho các nhà máy này.

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch hết sức quan trọng, song việc đảm bảo ổn định hệ thống lưới điện đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến. Trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng nhanh chóng. Do vậy, bài toán khó là cần phải tìm nguồn điện để thay thế nếu không phát triển điện than.

Bên lề Hội nghị COP27, Đoàn đại biểu Việt Nam đã có cuộc làm việc với ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 - đại diện cho Vương quốc Anh, Liên Minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) - về việc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển năng lượng tái tạo phải đi đôi với đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đề nghị Vương quốc Anh, EU và G7 hỗ trợ chuyển giao cho Việt Nam các công nghệ tiên tiến như công nghệ điện gió, điện mặt trời, lưu trữ điện năng để giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế. Vì vậy, Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực, ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế carbon thấp.

Cùng với đó là quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam coi thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân để tồn tại, phát triển, từ đó, có thể có đóng góp nhiều hơn cho nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.