Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3620

COP28: Kêu gọi thế giới hành động ngăn chặn Trái Đất ấm lên

Thế giới cần có sự điều chỉnh theo lộ trình nhằm ngăn toàn cầu ấm lên trong bối cảnh thực tế lượng khí thải toàn cầu phải giảm tới 43% vào năm 2030.

Hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C

Ngày 14/2, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), đồng thời là đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sultan al-Jaber cho rằng thế giới cần có sự điều chỉnh theo lộ trình nhằm ngăn toàn cầu ấm lên, đồng thời tuyên bố sẽ đề ra một lộ trình sáng tạo và toàn diện cho vấn đề này.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) 2023 ở Dubai (UAE), ông Sultan al-Jaber nhận định thế giới đang cố gắng bắt kịp mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C, trong khi thực tế, lượng khí thải toàn cầu phải giảm tới 43% vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, ông đã nêu bật tầm quan trọng của việc điều chỉnh hành động.

Trong vai trò Chủ tịch COP28, ông sẽ vạch ra một lộ trình toàn diện và hướng đến kết quả cho COP28. Theo ông, các chính sách cần phải tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng và cùng lúc đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với nguồn vốn đóng vai trò then chốt. Ông cho rằng nguồn vốn sẽ giúp quỹ bù đắp tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động và là nhân tố chính cho một thỏa thuận công bằng về tài chính khí hậu đối với khu vực Nam Bán cầu.

COP27, được tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11/2022, đã thông qua thỏa thuận về quỹ bù đắp thiệt hại cho các nước thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Mặc dù đây được xem là bước đột phá cho các nước đang phát triển, song các nhà hoạt động cho rằng quỹ này vẫn đang trống rỗng.

Thế giới cần có sự điều chỉnh theo lộ trình nhằm ngăn toàn cầu ấm lên trong bối cảnh lượng khí thải toàn cầu phải giảm tới 43% vào năm 2030.

Ông Jaber tin rằng cần phải có cải cách thực sự đối với các thể chế tài chính quốc tế, các ngân hàng đa phương để tăng cường ngân sách, giảm bớt rủi ro và thu hút thêm tài chính tư nhân cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Dự kiến COP28 sẽ diễn ra tại Dubai từ ngày 30/11-12/12 năm nay, với trọng tâm là đánh giá các tiến bộ đạt được kể từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015 nhằm ngăn Trái Đất ấm lên.

Tập trung mục tiêu cắt giảm khí thải

Ông Sultan Al Jaber, đặc phái viên khí hậu của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu ADNOC, cho rằng cùng với năng lượng tái tạo và các giải pháp khác, những nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm sẽ vẫn góp phần trong các nguồn cung năng lượng.

Tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu ở Abu Dhabi, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Al Jaber nhấn mạnh, chừng nào còn sử dụng các hợp chất hydrocarbon, thế giới phải đảm bảo loại sử dụng có hàm lượng carbon ít nhất có thể.

Ông Al Jaber cho rằng ngành năng lượng cần nhanh chóng phi carbon hóa, giảm khí methane và tăng cường khí hydro, đồng thời kêu gọi tập trung vào mục tiêu giảm phát thải.

Hiện nay, dân số thế giới dự kiến tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Năng lượng đáp ứng quy mô dân số hơn 9 tỷ người sẽ phải tăng 50% so với mức hiện tại.

Ông Al Jaber nhấn mạnh, năng lượng tái tạo cần tăng gấp 3, lên mức 23 TeraWatt vào năm 2030 trong khi sản lượng Hydro phải tăng gấp đôi và ngành nông nghiệp, vốn gây ra 30% khí thải toàn cầu, phải được cải cách mạnh mẽ.

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước điểm chuyển giao lịch sử, tăng trưởng carbon thấp là tương lai nhưng thế giới cần tăng tốc.

Được biết, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ chủ trì hội nghị COP28 tại Dubai trong tháng 11 và 12/2023. Ngày 12/1, nước này công bố lựa chọn ông Al Jaber làm Chủ tịch COP28.

Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập tháng 11/2022 đã tạo được dấu ấn với thỏa thuận về quỹ đền bù cho những tổn thất từ các thảm họa tự nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu mà các nước đang phát triển phải gánh chịu, cũng như làm chậm lại những tác động như hiện tượng nước biển dâng.

Đây là một trong những thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề gai góc nhất, theo đó lập một quỹ đền bù cho những nước nghèo chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Thỏa thuận đã làm tăng niềm tin về việc cộng đồng quốc tế có thể tìm được tiếng nói chung trong nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh.