Ngọc Lan ·
32 tuần trước
 9804

Cứ 1 phút trôi qua, thế giới mất đi diện tích rừng nguyên sinh bằng 10 sân bóng đá

Theo báo cáo do các nhà nghiên cứu của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Đại học Maryland vừa công bố, thế giới mất đi diện tích rừng nguyên sinh tương đương 10 sân bóng đá trong vòng 1 phút.

Báo cáo được công bố ngày 4/4 đã chỉ ra bức tranh kém tươi sáng về tình trạng rừng nguyên sinh trên toàn cầu, dù cuộc chiến chống nạn phá rừng Amazon đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ.

Mặc cho các nước đã cam kết bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên nhưng tỷ lệ mất rừng nhiệt đới vẫn rất cao. Năm 2023, khoảng 3,7 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh đã mất, gần bằng diện tích của Bhutan. Brazil, Cộng hòa dân chủ Công-gô, và Bolivia là những nước mất nhiều diện tích rừng nguyên sinh nhất.

Trong năm ngoái, Brazil ghi nhận tỷ lệ mất rừng nguyên sinh giảm 36% so với năm 2022. Mức giảm đáng kể này rõ nhất ở rừng Amazon, vốn được ví là "lá phổi xanh" của Trái Đất khi cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy và hấp thu 26.000 tấn vật chất gây ô nhiễm không khí mỗi năm.

Con số trên được ghi nhận trong năm đầu tiên Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva lên nắm quyền, với cam kết bảo vệ rừng Amazon và khôi phục các biện pháp bảo vệ rừng.

Cháy rừng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng trái đất. 

Nghiên cứu của Global Forest Watch của Viện Tài nguyên Thế cho thấy, diện tích rừng giảm đáng kể ở Brazil và Colombia, được bù lại bằng sự gia tăng diện tích rừng ở Indonesia, Lào và Bolivia, cùng các quốc gia khác.

Hỏa hoạn một lần nữa thúc đẩy xu hướng mất rừng bên ngoài vùng nhiệt đới, với câu chuyện cháy rừng đáng lo ngại nhất vào năm 2023 diễn ra ở Canada. Giống như nhiều khu vực trên thế giới, hạn hán lan rộng và nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu đã lan rộng khắp Canada. Điều này dẫn đến mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử và tỷ lệ mất độ che phủ của cây do cháy rừng tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023. 

Những con số trên đã báo động  vì rừng nhiệt đới nguyên sinh được coi là lá phổi sống quan trọng của thiên nhiên, hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide (CO2) – loại khí thải là tác nhân gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Rừng rậm nhiệt đới cũng đóng vai trò điều hòa khí hậu khu vực và địa phương, cũng như là "ngôi nhà" của phần lớn các loài thực vật và động vật trên thế giới, đồng thời lọc không khí và nước.

Chuyên gia Mikaela Weisse, Giám đốc Cơ quan Theo dõi rừng toàn cầu của WRI, cho biết thế giới đã tiến hai bước nhưng đồng thời cũng lùi hai bước khi tình trạng phá rừng ở Brazil và Colombia đã giảm đáng kể, diện tích rừng nhiệt đới bị mất ở những nơi khác lại gia tăng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), khi hơn 140 quốc gia nhất trí ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030. Tuy nhiên, diện tích rừng bị mất đã cao hơn gần 2 triệu ha rừng so với mức cần giảm để đạt được mục tiêu này.