Minh Anh ·
31 tuần trước
 8755

Cử tri lo ngại tiêu cực tại Vành đai 4, Vành đai 3

Việc triển khai xây dựng đường cao tốc và chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ được Đại biểu Quốc hội quan tâm mà các địa phương cũng hết sức quan tâm và nắm bắt kịp thời.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã trả lời đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về việc quản lý chặt chẽ dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh để tránh việc thất thoát, tham ô, tham nhũng dẫn đến mất cán bộ.

Cụ thể, cử tri thành phố Đà Nẵng thông qua Ban Dân nguyện chuyển đến kiến nghị theo Công văn số 909/BDN ngày 01/8/2023.

Nội dung kiến nghị như sau: “Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với dự án Đường vành đai 4 Thành phố Hà Nội và Đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh để tránh việc thất thoát, tham ô, tham nhũng dẫn đến mất cán bộ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân tại vùng dự án này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực dẫn đến tình trạng khiếu kiện phức tạp.”

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, nội dung đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh việc thất thoát, tham ô, tham nhũng dẫn đến mất cán bộ Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 và Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Theo đó, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chia thành 7 dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư; Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh chia thành 8 dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư.

Triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan; quán triệt việc triển khai thực hiện phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; hàng tháng Ban Chỉ đạo tổ chức họp định kỳ để kiểm điểm tiến độ thực hiện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và tuân thủ quy định pháp luật.

Với vai trò Bộ quản lý chuyên ngành, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng, trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, đúng trình tự, thủ tục theo quy định và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 105/NQ-CP và Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai các dự án, đồng thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua triển khai thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Theo báo cáo của các địa phương có dự án đi qua, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đến nay đạt bình quân khoảng 80% tổng diện tích đất cần thu hồi, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đạt khoảng 83% tổng diện tích đất cần thu hồi. Về cơ bản, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thành phần được các địa phương thực hiện đáp ứng và vượt tiến độ và nhận được sự đồng thuận của người dân trong khu vực dự án, chưa có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Đường Vành đai 4 Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đều là những tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, có tác dụng liên kết vùng lân cận, hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối và đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng này. Dự án vành đai 3 sẽ giúp TP.HCM và các tỉnh tháo gỡ được các nút thắt về giao thông, về không gian phát triển và động lực phát triển đã tồn tại hơn 10 năm qua.

Nếu được thông qua, đây sẽ là 2 dự án lớn, kết hợp song song hai nguồn vốn Trung ương và địa phương, đi qua nhiều tỉnh, thành, do đó vấn đề phối hợp giữa các địa phương, câu chuyện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm không chỉ được Đại biểu Quốc hội quan tâm mà các địa phương cũng hết sức quan tâm, lưu ý.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM chia sẻ: Trước đây, Thủ tướng đã cho thành lập 1 tổ công tác ở cấp độ địa phương và bộ, ngành TƯ. Hiện tổ này vẫn tiếp tục duy trì và tiếp tục chỉ đạo dự án vành đai 3. Ở cấp độ địa phương, TPHCM, Đồng Nai… có ban chỉ đạo phối hợp, chúng tôi tiếp tục củng cố để có sự chỉ đạo, điều phối tổng hợp.”

Việc đầu tư dự án Vành đai 4 và Vành đai 3 ở 2 vùng kinh tế quan trọng của cả nước sẽ tháo gỡ điểm nghẽn lớn về hạ tầng giao thông, phù hợp với chủ trương và nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây không chỉ là hành lang giao thông mà còn là hành lang phát triển kinh tế quan trọng, nhưng do khó khăn của ngân sách Trung ương nên có cân đối tham gia của cả nguồn ngân sách địa phương.

Còn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - Ông Hoàng Văn Cường cho rằng: “Chúng ta thấy một điều như thế này, mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì trong vòng vài 3 tháng qua, đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đây là một nguồn lực rất lớn, nếu chúng ta không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí và chúng ta sẽ mất đi mà lại phải đầu tư cao lên có thể các tuyến đường rất lớn nhưng lợi ích mang lại cho các cá nhân khác. Vì vậy, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, tôi đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.”

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6884332998293064