Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 8/3 yêu cầu "Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách chức năng quản lý Nhà nước và hoạt động của các trung tâm kiểm định, bảo đảm minh bạch, rõ ràng; tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên…", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu Đề án trên cũng như đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động, quản lý đối với hệ thống trung tâm đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm phương tiện đường bộ, phương tiện thủy thuộc các sở.
Ảnh minh họa.
Tách bạch giữa quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công
Dự thảo đề án nêu rõ, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ được sắp xếp lại theo hướng Cục chỉ làm công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục sẽ thay đổi.
Cụ thể, dự kiến sẽ sắp xếp, tổ chức lại 37 đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thành 7 trung tâm đăng kiểm để thực hiện dịch vụ đăng kiểm phương tiện đường bộ đang lưu hành, xe sản xuất mới, phương tiện thủy, tàu biển đường sắt và công trình biển.
Sau khi tổ chức lại, các đơn vị này vẫn thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam song Cục chỉ bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị, còn các đơn vị hoàn toàn tự chủ, độc lập về tổ chức, tài chính, con người.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, việc sắp xếp lại các đơn vị đăng kiểm như trên nhằm tạo sự độc lập về tài sản, con người, sau đó nếu đơn vị nào đủ điều kiện sẽ tính đến phương án cổ phần hóa làm dịch vụ đăng kiểm.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng, việc tách bạch công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm, mục tiêu hướng tới là nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí của xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng và 37 đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, 37 đơn vị trực thuộc Cục sẽ được tổ chức lại thành 7 trung tâm đăng kiểm. Các trung tâm này sẽ thực hiện dịch vụ đăng kiểm phương tiện đường bộ đang lưu hành, xe sản xuất mới, phương tiện thủy, tàu biển đường sắt và công trình biển.
Sau khi tổ chức lại, các đơn vị này vẫn thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, Cục chỉ bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị. Các trung tâm hoàn toàn tự chủ, độc lập về tổ chức, tài chính, con người.
Hiện nay, một số phòng tham mưu, giúp việc Cục trưởng vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước, đồng thời thực hiện dịch vụ kiểm định phương tiện. Trong khi đó, các đơn vị trực thuộc (chi cục, trung tâm đăng kiểm) cũng thực hiện hoạt động kiểm định phương tiện GTVT và công trình biển. Mọi hoạt động, nhân sự, tài chính của các đơn vị trực thuộc đều phụ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cơ chế quản lý tài chính của Cục đang áp dụng theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc cơ quan Cục.
Việc tách công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và đảm bảo công khai, minh bạch.