Việc xét xử án kinh tế, tham nhũng cần được đẩy nhanh tiến độ
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của TAND và VKSND được lựa chọn chất vấn là đúng trọng tâm, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng, gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an, Tư pháp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc và cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng.
Với công tác xét xử, Nghị quyết nhấn mạnh, việc xét xử các vụ án hình sự phải đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt lưu ý các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội tham nhũng, chức vụ, trong đó nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu…phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật hình sự. Đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc tự nguyện bồi thường thiệt hại gây ra… sẽ khoan hồng theo quy định pháp luật. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án này.
Kiến nghị khắc phục khi phát hiện sơ hở
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cùng với đó tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đặc biệt là Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra. Các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án gây bức xúc dư luận xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để trục lợi, đăng kiểm, “tín dụng đen”, mua bán người, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, tội phạm trên không gian mạng… cần được xử lý nghiêm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Tố tụng hành chính về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ; tham gia đối thoại; tham gia phiên tòa; thi hành nghiêm túc bản án…