Nhiều năm nay, 5 cầu cảng thuộc Công ty TNHH Sơn Hữu vận tải ngày đêm rót vật liệu gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt khiến người dân tại 4 thôn Đồng Ao, Trung Thứ, Trung Thành, thôn Lường thuộc xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vô cùng bức xúc.
Ô nhiễm môi trường nặng nề do không lắp đặt hệ thống ngặn chặn bụi
Được biết, 5 cầu cảng này đã hoạt động nhiều năm, Công ty Sơn Hữu đã lập và được UBND huyện Thanh Liêm cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) tại văn bản số 14/XN-UBND ngày 16/12/2015.
Tuy nhiên, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng tỉnh Hà Nam đã vào cuộc kiểm tra và chỉ ra mới chỉ có 2/6 cầu cảng có nhà bao che, phễu rót (trong đó mới chỉ có 1 cầu cảng có hệ thống phun nước dập bụi) và 4/6 cầu cảng chưa có nhà bao che, phễu rót và hệ thống phun nước dập bụi.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường, tại khu vực 5 cầu cảng của Công ty Sơn Hữu hiện có 2 cầu cảng được lắp đặt chụp mềm, xây dựng mái tôn ngăn bụi. 3 cầu cảng còn lại cho xe vận tải đổ vật liệu trực tiếp xuống tàu.
Theo quan sát dễ dàng nhận thấy toàn bộ khu vực này như bị bao trùm bởi bụi từ việc các xe vận tải rót vật liệu từ trên cảng xuống tàu. Nhiều cây xanh, mái nhà ở của các hộ dân tại đây đều bị phủ kín một mầu trắng của bụi đá, hầu hết các nhà đều phải đóng cửa kín do bụi đá bay mù mịt.
Đặc biệt, tại các cầu cảng này không thấy lắp đặt hệ thống tưới nước giảm bụi khiến mỗi lần xe qua lại, rót vật liệu quấn theo bụi trắng của đá bay mù mịt khắp nơi. Bên cạnh đó, dự án này cũng chưa thực hiện trồng cây xanh trong khu vực dự án theo tổng mặt bằng được phê duyệt.
Người dân bức xúc và nhiều lần kiến nghị giải quyết
Người dân tại đây cho biết đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay sự việc vẫn tiếp tục diễn ra, chưa thể xử lý triệt để.
Bà T.T.L (người dân tại thôn Đồng Ao) bức xúc cho biết, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe vận tải nối đuôi nhau chở vật liệu lên cầu cảng rồi rót một lượng lớn bụi xuống tàu khiến khu vực này bị ô nhiễm nặng nề.
Do lượng xe đi lại quá lớn, cường độ vật liệu được rót xuống 5 khu cầu cảng liên tục và lượng bụi quá nhiều nên mặc dù các nhà dân đã sử dụng mành, rèm để chắn bụi thế nhưng đồ dùng, vật dụng trong nhà luôn bị phủ một lớp bụi dày.
“Ngày nào cũng thế, người ta cho xe vận chuyển rót vật liệu xuống tàu bất kế ngày đêm. Cứ đợt bụi này chưa dứt là lại đến đợt bụi khác, người dân chúng tôi nơi đây quá khổ rồi.
Nơi đây còn có 2 ngôi chùa là khu vực tâm linh có lịch sử hàng trăm năm mà các anh xem đấy, bụi lúc nào cũng trắng xoá hết cả, cây cối bị bụi phủ héo rũ, cứ ô nhiễm như thế thử hỏi rằng chúng tôi sống thế nào?
Hơn thế, ngay gần khu cầu cảng này còn có một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, vì bụi từ bột đá, clinker… các cháu về thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp” – Cùng chung nỗi bức xúc, ông N.V.S (nguời dân xã Thanh Thuỷ) nói.
Ông Vũ Quý Việt, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ cũng cho biết, “Người dân thường xuyên phản ánh về tình trạng bụi từ khu vực cầu cảng của Công ty Sơn Hữu gây ảnh hưởng đến đời sống. Đã nhiều lần tôi phải xuống tận gia đình nhà người dân, ngồi đó để cảm nhận xem bụi là như thế nào. Nhưng đúng là bụi thật, không thể chịu được.
Tôi ngay lập tức phải gọi điện cho phía công ty yêu cầu người ta phải có biện pháp giảm thiểu bụi chứ không người dân không thể sống được. Tôi cũng thường xuyên cử cán bộ xuống để kiểm tra, thế nhưng cứ khi nào kiểm tra thì người ta lại rót ít, tưới nước giảm bụi. Khi đoàn kiểm tra ra về thì đâu lại vào đấy, bụi vẫn hoàn bụi”.
“Mỗi khi gió Tây – Nam thổi bụi còn bay mù mịt cả trụ sở UBND xã tôi”, ông Việt nói thêm.
Công ty Sơn Hữu lại không thực hiện đúng, đủ những gì đã đăng ký và cam kết?
Trước đó, tại kế hoạch BVMT đã đăng ký với UBND huyện Thanh Liêm, Công ty Sơn Hữu cam kết thực hiện đầy đủ các kế hoạch BVMT như sau:
Trong quy trình xuất hàng đối với đá xây dựng được vận chuyển từ nhà máy hoặc bãi chứa ra đến vị trí xuất hàng bằng ô tô tự đổ (được che phủ), sau đó đá được đổ vào phễu tiếp nhận và rót xuống tàu bằng thiết bị chuyên dùng. Toàn bộ hệ thống phễu tiếp nhận, băng tải được đặt trong nhà bao che. Hệ thống rót đá trong ống mềm, đảm bảo kín bụi.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn do hoạt động của dự án gây ra, Công ty sẽ hạn chế bằng biện pháp quy hoạch diện tích cây xanh, mặt nước hợp lý theo thiết kế cơ sở của dự án, diện tích cây xanh mặt nước được quy hoạch 6.401,2 m2, chiếm 13,16% tổng diện tích của dự án.
Giảm thiểu tác động từ các phương tiện giao thông vận tải, ô nhiễm bụi và khí thải từ quá trình hoạt động mang tính phân tán, khó tập trung. Để xử lý, giảm thiểu Công ty áp dụng các phương tiện vận chuyển hàng hoá vào khu vực cảng phải được che phủ kín để hạn chế rơi vãi than, đất đá xuống khu vực dự án; Làm đường nội bộ bằng bê tông để làm giảm phát bụi từ mặt đường; Hướng dẫn các tàu thuyền dưới bến cập cảng và xuất cảng đảm bảo an toàn, các tàu thuyền vận chuyển khoáng sản như than, cát đá bắt buộc phải phủ bạt kín; Thường xuyên vệ sinh hệ thống đường nội bộ, tưới nước làm sạch cũng như giữ ẩm mặt đường để giảm bụi phát tán; Thực hiện các giải pháp trồng cây xanh và thảm cỏ, tạo cảnh đẹp cho khu vực dự án.
Đối với đá xây dựng từ hoạt động xuất, nhập hàng hoá được vận chuyển từ nhà máy hoặc bãi chứa ra đến vị trí xuất hàng bằng ô tô (được che phủ), sau đó đá được rót xuống tàu bằng phễu rót được đặt trong nhà bao che. Nhà bao che bằng khung thép, lợp tôn, có hệ thống phun nước chống bụi và bạt chống bụi để tránh phát tán bụi ra môi trường…
Tuy nhiên, theo ghi nhận, Công ty Sơn Hữu lại không thực hiện đúng, đủ những gì đã đăng ký và cam kết và dẫn đến tình trạng người dân xung quanh sống chung với bụi như trên.
Chính quyền địa phương đã đề nghị đến các cấp để có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng cũng chỉ thuyên giảm được một thời gian ngắn tình trạng bụi lại diễn ra.
Sau đó, Đoàn công tác đã yêu cầu Công ty tiếp tục thực hiện các công trình nhà bao che, phễu rót hàng hoá và hệ thống phun nước giảm thiểu bụi tại các cầu cảng; Trồng cây xanh trong khu vực dự án theo tổng mặt bằng được phê duyệt; Nghiên cứu và thực hiện các giải pháp đạt hiệu quả cao hơn trong việc giảm thiểu bụi từ quá trình xuất hàng hoá.
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hà Nam kiểm tra đối với Dự án để làm rõ sự việc trên. Kết quả kiểm tra báo cáo về Thanh tra Bộ trước ngày 20/06/2021 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Công ty TNHH Sơn Hữu được thành lập vào 15/06/2010 và chính thức đi vào hoạt động ngày 16/6/2010, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Công ty có địa chỉ tại Thôn Đinh Đồng, Xã Thanh Phong, Huyện Thanh Liêm, Hà Nam. |
Theo thông tin Báo Tài nguyên và Môi trường