Tạ Nhị ·
1 năm trước
 8976

Đã có bao nhiêu dự án điện tái tạo hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới?

15 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã phát khoảng 154 triệu kWh, bình quân 3,2 triệu kWh mỗi ngày. Hiện vẫn còn 13 dự án điện năng lượng tái tạo với tổng công suất 802,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán giá.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đến ngày 21/7/2023, có 15 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 734,92MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 20/7/2023 đạt khoảng 154 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Đến nay, đã có 72/85 dự án NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 3.931,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 60 dự án (tổng công suất 3.331,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/60 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.

21 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Hiện vẫn còn 13 dự án với tổng công suất 802,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

 Tình hình thực hiện thủ tục của 85 dự án NLTT chuyển tiếp.

Về tình hình cung ứng điện ở khu vực miền Bắc giai đoạn tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bước sang tháng 7, công tác vận hành hệ thống điện dự kiến vẫn còn có những khó khăn, đặc biệt là với hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng, trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi sát sao tình hình vận hành của hệ thống điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể, trong đó yêu cầu EVN:

Bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung ứng điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023.

Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống khó khăn trong hệ thống điện, trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trong tháng 7 và những tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất: Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn trọng điểm và truyền tải liên miền; chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy.

Thứ hai: Thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả (Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khẩn trương chuyển giao đơn vị quản lý Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ).

Thứ ba: Tăng cường giám sát, đôn đốc các tập đoàn (TKV, PVN) và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nguồn cung than, dầu, khí và các vật tư, nguyên liệu đầu vào để phục vụ các nhà máy điện hoạt động ổn định.

Thứ tư: Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp để thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn trọng điểm và dự án truyền tải, lưới điện. Tiếp tục phê duyệt thỏa thuận giá tạm thời để các nhà máy điện NLTT chuyển tiếp tham gia nối lưới.

Thứ năm: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tiết lượng nước các nhà máy thủy điện đáp ứng nhu cầu phát điện và điều hòa nước của hạ du, đặc biệt trong mùa bão lũ.

Thứ sáu: Khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện III và đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch ngành liên quan đến năng lượng (Quy hoạch năng lượng quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia và Quy hoạch khai thác khoáng sản) để các địa phương và nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án.

Đồng thời, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện; Chiến lược phát triển năng lượng sạch (như: Hydrogen, amoniac xanh); hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật phát triển NLTT và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển điện lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Bộ Công Thương: Với các giải pháp nêu trên, cần có thời gian để thực hiện, vì vậy trong ngắn hạn để bảo đảm đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng thì một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết nhất hiện nay vẫn là phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện (theo đúng Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6659920740734292/