Minh Anh ·
1 năm trước
 6839

Đã đến lúc cần xây dựng Luật Đô thị đặc biệt?

Đề xuất bổ sung xây dựng dự án Luật Đô thị đặc biệt vào đề án định hướng, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV được đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đưa ra sáng 23-5 khi thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP HCM đã nêu rõ Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị.

Như vậy, đã đến lúc cần xây dựng Luật Đô thị đặc biệt để điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt bằng văn bản quy phạm pháp luật có tính chất phổ quát.

Đối với đô thị đặc biệt là Hà Nội, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, trong đó có chính sách xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Như vậy, đề xuất tại dự thảo Đề án về bản chất là cơ chế đặc thù cho TP HCM. Trong khi đó, thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM phát triển.

Cùng với đó, hiện nay triển khai định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát, đề xuất xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị, báo cáo Chính phủ tại số Báo cáo số 118/BC-BXD ngày 30-9-2022.

Hiện, Bộ Xây dựng đang triển khai lập hồ sơ xây dựng Luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật quản lý và Phát triển đô thị dự kiến trình Chính phủ trước ngày 1-11-2023.

Bộ Xây dựng cũng đã góp ý về đề xuất thí điểm bổ sung hình thức sử dụng đất khác không phải đất ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cho rằng nội dung đề xuất này chưa bảo đảm tính khả thi vì đề xuất như trên cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở mới thực hiện được chính sách.

Mặt khác, nội dung đề xuất áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng trong các quy định dẫn chiếu lại bao gồm đối tượng là dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Do vậy, cần xác định rõ việc đề xuất thí điểm bổ sung hình thức sử dụng đất là chỉ áp dụng đối với dự án nhà ở xã hội hay áp dụng với 2 loại dự án (nhà ở xã hội và nhà ở thương mại).

Đồng thời, để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, Bộ Xây dựng đề nghị chỉnh lý nội dung dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định cụ thể chính sách đặc thù, bảo đảm thể chế hóa yêu cầu phát triển nhà ở xã hội tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-20230, bảo đảm quản lý, sử dụng chặt chẽ nguồn lực đất đai, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình cấp có thẩm quyền.

Với mục tiêu phát triển TP HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ KH-ĐT, phối hợp với UBND TP HCM cân nhắc nghiên cứu, đánh giá tác động, đề xuất một số chính sách về phát triển đô thị trong dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể, nghiên cứu cơ chế cho phép thành phố được chủ động xây dựng và triển khai các mô hình phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị định hướng phát triển giao thông nhằm nâng cao năng lực quản lý đô thị và phát triển đô thị bền vững.

Luật Đô thị đặc biệt là định hướng cho sự phát triển của các đô thị khác của nước ta như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ...

Tạ Nhị