Minh Anh ·
1 năm trước
 6929

Đại biểu Quốc hội nói gì khi EVN muốn tăng tiền điện lần 2

EVN cho rằng mức tăng giá điện 3% thực hiện từ đầu tháng 5/2023 chưa cân đối được chi phí. Vì vậy, trong báo cáo trình Chính phủ, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023.

Theo báo cáo của EVN, giai đoạn 2016-2020, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống điện tăng khoảng 1,78 lần, từ 38.800MW năm 2015 tăng lên gần 69.300MW năm 2020, trong đó các nguồn điện thuộc EVN tăng thêm 5.873MW. Năm 2021, tổng công suất hệ thống điện tăng lên 76.614MW, trong đó EVN là 29.775MW.

Ảnh minh họa.

Tốc độ tăng trưởng bình quân điện sản xuất và mua EVN giai đoạn 2016-2020 đạt 8,35%/năm, thấp hơn so với dự kiến trong kế hoạch 5 năm là 9,89%/năm. Trong đó: năm 2016 đạt 177,234 tỷ kWh; năm 2020 chỉ đạt 238,469 tỉ kWh, tăng 3,33% so năm 2019, lý do nhu cầu tiêu thụ điện giảm do dịch bệnh Covid-19. Tổng sản lượng điện do EVN sản xuất và mua để cung ứng lên hệ thống điện quốc gia trong 5 năm là 1.051,7 tỷ kWh, bằng 98,41% so với kế hoạch 5 năm. Điện sản xuất và mua của EVN năm 2021 là 246,25 tỉ kWh, tăng 3,25% so với năm 2020.

Điện thương phẩm bình quân trên đầu người năm 2020 đạt 2.210 kWh/người, tăng 1,41 lần so với năm 2015 (1.566,8 kWh/người). Điện thương phẩm năm 2021 đạt 225,3 tỉ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, EVN cho rằng, năm 2022, EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao do tác động của giá nhiên liệu tăng đột biến, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cả năm 2022 lỗ "âm" 26.463 tỉ đồng.

Liên quan đến việc tăng giá điện đang được người dân quan tâm, EVN cho rằng việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4/5/2023, dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm được khoảng 8.000 tỉ đồng trong các tháng còn lại năm 2023. Mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn khả năng còn lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 26.463 tỉ đồng, dự kiến ước thực hiện cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỉ đồng.

Vì vậy, EVN kiến nghị Thủ tướng: Sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023-2025.

Đồng thời, cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1/9/2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Trước đề xuất của EVN về tiếp tục được điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trước khi muốn tăng giá, cơ quan chức năng phải làm rõ nhiều vấn đề của ngành điện, tìm điểm nghẽn để tháo gỡ chứ không phải cứ thua lỗ là xin tăng giá điện.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ: Việc EVN báo lỗ có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân khách quan như EVN đã giải trình, tuy nhiên theo tôi cũng có nguyên nhân chủ quan nằm ở sự quản trị kinh doanh, tính toán của doanh nghiệp. Cần rà soát, nghiên cứu cẩn trọng nguyên nhân tại sao EVN sản xuất kinh doanh lại thua lỗ trong thời gian dài như thế. Từ đó mới thấy được điểm nghẽn để tháo gỡ, chứ không phải cứ hễ thua lỗ lại tăng giá điện, vô tình phần thiệt thòi lại đổ về người dân.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nói: Người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao.

Ông Vân cũng chỉ rõ nguyên nhân về tình trạng "bội thực" năng lượng tái tạo hiện nay. Theo ông, việc sản xuất điện cần phải song hành với việc cải thiện hạ tầng truyền tải nhưng vừa qua hai việc này lại thực hiện không đồng bộ.

“Lúc thì đồng ý cho bổ sung hàng loạt dự án năng lượng tái tạo nhưng khi sản xuất ra, năng lực truyền tải có hạn dẫn đến có điện mà không tiêu thụ được. Cùng với đó, cơ sở pháp lý của các dự án cũng chưa minh bạch gây khó khăn khi hòa mạng”, ông Vân nói và cho rằng nếu khắc phục được những vấn đề này từ trước thì sẽ không thiếu điện và không phải tăng giá điện.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, cũng có nhiều đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, rà soát chi tiêu, đời sống của lãnh đạo ngành điện trong bối cảnh thua lỗ như vậy…

 Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, cử tri rất băn khoăn về việc điều chỉnh giá điện. “Trong các báo cáo, EVN đều khẳng định về tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN thì trong báo cáo chưa thấy làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể", đại biểu nói.

Đáng nói, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Điển hình, 2 doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 lần lượt là 2.550 tỉ đồng và 3.668 tỉ đồng.

EVN đề xuất tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023

Trong báo cáo trình Chính phủ, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023 vì cho rằng mức tăng giá điện 3% từ đầu tháng 5/2023 chưa cân đối được chi phí..

Cụ thể, EVN kiến nghị sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng để cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1/9/2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Tạ Nhị