Nguyễn Khang ·
2 năm trước
 2107

Dân 'kêu trời' do nhiều nhà máy tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) xả khói, hóa chất độc hại, xử lý ra sao?

Tôi muốn biết rằng bao giờ bà con chịu ảnh hưởng mới được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm? Và vì sao tình trạng ô nhiễm môi trường do nhiều nhà máy tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai gây ra đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục cụ thể? 

Tại khu vực xung quanh khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, bà con nơi đây có đất mà không thể trồng trọt, có ao mà không thể thả cá, muốn nuôi bò nuôi trâu cũng không thể. Nhân khẩu trong nhà thậm chí phải sơ tán đi vùng khác sống. Đó là bởic không ít nhà máy sản xuất hóa chất độc hại đang hoạt động tại khu công nghiệp Tằng Loỏng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Có thể kể đến một số nhà máy hóa chất tại đây như nhà máy DCP của Công ty Hóa chất Phúc Lâm; Nhà máy Phốt pho số 3 của Công ty TNHH Đông Nam Á; Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem; Công ty Hóa chất Đức Giang...

Các nhà máy này thay nhau liên tục xả thải khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, điều này khiến rất nhiều hộ dân bức xúc.

khu công nghiệp Tằng Loỏng gây ô nhiễm

Người dân lo lắng khi ngày nào cũng phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, tính mạng bị đe dọa. Ảnh: Văn Đức.

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Quang Thành - Bí thư Chi bộ thôn Mường 1, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng cho biết: "Gia đình tôi có 11 khẩu nhưng hiện tại chỉ còn 3 người lớn vì phải sơ tán hết". Ông ngậm ngùi chia sẻ cây cối trồng lâu năm không ra quả, gia đình mất thu nhập. Hoa màu trồng thì chỗ bị héo, bị táp cũng không ăn, không sản xuất được.

Đặc biệt muốn chăn nuôi con trâu, con bò thì lo sợ mắc bệnh do ăn phải cỏ nhiễm hóa chất, lội phải nước có bùn nhiễm chất thải. Nuôi cá thì không dám sử dụng nguồn nước suối cạnh đó mà phải lấy nguồn nước cách 500-700m. Dù không dùng nước suối tại đây thì cũng có lúc khí thải chụp xuống làm chết hàng loạt cá trong ao.

Nỗi lo lắng về tình hình thu nhập giảm sút một phần, mà nỗi lo lắng về sức khỏe bị ảnh hưởng khiến người dân bức xúc và hoang mang hơn. Đó cũng là nỗi lo chung của người dân nơi đây. 

Mặc dù tỉnh Lào Cai đang thực hiện di chuyển những hộ dân bị ảnh hưởng sang nơi ở mới. Tuy nhiên, vẫn có những hộ nằm ngoài khu vực bị ảnh hưởng nhưng vẫn phải chịu những tác động nhất định về môi trường do hoạt động sản xuất của các nhà máy. Gần nhất, những hộ dân ở thôn Mường 1 (xã Xuân Giang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) cũng có nguyện vọng di dời chỗ ở do sinh sống gần Công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang Lào Cai. 

Tháng 9/2021 vừa qua, tại thôn Mường 1, xã Xuân Giao, qua một đêm người dân bàng hoàng phát hiện cỏ chết trắng, cháy vàng hơn 4000m2, còn nước suối có màu khác lạ do vỡ tấm đan chắn hố thu nước thải bề mặt của bãi Gyps của công ty Đức Giang khiến nước thải tràn ra.

Trong khi đó, mới tháng 5/2021, Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Lào Cai cũng đã bị phạt 400 triệu đồng vì vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ Môi trường. Vậy nhưng tình trạng xả thải độc hại vẫn tiếp tục tiếp diễn.

khu công nghiệp Tằng Loỏng gây ô nhiễm

Tình trạng cây cối không ra hoa, ra quả, cá nuôi trong ao thi thoảng lại nổi lên chết là nỗi khổ của các hộ dân sống gần khu công nghiệp Tằng Loỏng từ năm 2018 đến nay

Mặc dù UBND tỉnh Lào Cai đã nhiều lần xử phạt các trường hợp vi phạm về vấn đề môi trường, nhưng hiện trạng người dân đang phải gánh chịu những bất tiện cuộc sống, và bị ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, đời sống,... là sự thật đang diễn diễn ra mỗi ngày. 

Câu hỏi đặt ra là số tiền chịu xử phạt mà các công ty phải trả sau mỗi sự việc môi trường xảy ra, liệu có thể giúp trả lại môi trường trong sạch như trước được không? Khoản tiền đó có thể bù đắp được những tổn thương môi trường do các công ty hóa chất gây ra hay không? Và có thể đánh đổi sức khỏe, tinh thần,... của người dân được hay không?

Tôi muốn biết rằng bao giờ bà con chịu ảnh hưởng mới được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm? Và vì sao tình trạng ô nhiễm môi trường do nhiều nhà máy tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai gây ra đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục cụ thể? 

Ngay cả khi người dân đã được di dời khỏi những khu vực chịu ảnh hưởng, thì chất thải của các công ty này cũng phải được kiểm tra và đảm bảo an toàn trước khi xả ra môi trường. Về vấn đề này, cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND các cấp trên địa bàn. Bởi lao động sản xuất không chỉ quan tâm đến người dân bị ảnh hưởng, mà còn là quan tâm và bảo vệ môi trường khỏi bị tổn thương!