Tại khu vực đầu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các cầu số 3, 4, 5 (thuộc quận Tân Bình), nhiều loại cá chết nổi trắng bờ kênh, bốc mùi nồng nặc. Ngoài ra, dọc bờ kênh phía đường Trường Sa (quận Phú Nhuận) cũng xuất hiện cá chết dày đặc, nước kênh đen ngòm, nổi bọt và nhiều rác thải bủa vây.
Đáng chú ý, khu vực đường Trường Sa là nơi tập trung hàng trăm nhà hàng, quán nhậu dọc theo bờ kè nên việc cá chết hàng loạt đã gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh của các hộ dân, cũng như dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho thực khách. Nhiều cơ sở ăn uống đã phải tạm dừng hoạt động để chờ lực lượng công nhân vệ sinh làm sạch kênh; nhiều hộ gia đình phải đóng chặt cửa, không dám ra khỏi nhà vì mùi hôi quá nặng.
Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Anh Phan Ngọc Hải, Đội trưởng Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM) cho biết, tình trạng cá chết trên kênh bắt đầu xuất hiện từ sáng 3/4, lúc đầu chỉ lác đã vài chục con. Nhưng sau 3 trận mưa lớn vào sáng và trưa 4/4, xác cá đã nổi kín mặt nước tại các khu bến thuyền, chân cầu dọc theo kênh; trong đó, bị ảnh hưởng nặng nhất là đoạn từ cầu số 1 đến cầu số 7-8, dài khoảng 2,5 km với ước tính hàng tấn cá chết.
Nhận được tin, Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lập tức cử các nhóm công nhân vệ sinh cùng các phương tiện chuyên dụng đến thực hiện thu gom xác cá để nhanh chóng mang đi tiêu hủy. Tuy nhiên, mưa to tiếp tục kéo dài trên diện rộng tại nhiều khu vực đã khiến công tác thu gom của các công nhân gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm cục bộ. Do khu vực đầu nguồn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không liên thông với sông hay kênh rạch tự nhiên mà chỉ có cống nước thải.
Sau nhiều cơn mưa lớn trong những ngày qua, nước đổ xuống kênh mang theo các chất độc và rác thải không phân hủy như bao nilon, ly nhựa, chai thủy tinh... bít kín mặt nước khiến cá không hô hấp được, đồng thời làm hàm lượng khí độc hại trong bùn ở đáy kênh như NH3, NO2… tăng vượt ngưỡng cho phép, gây hiện tượng cá chết trên diện rộng ở khu vực cuối kênh.
Dù kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có hệ thống bơm, xử lý nước thải nhưng do lượng nước thải quá lớn nên hệ thống xử lý không xuể, khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Hiện tượng cá chết tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè những năm gần đầy hầu như năm nào cũng xảy ra, nhất là khi có những cơn mưa lớn trái mùa, đầu mùa. Nghiêm trọng nhất là giữa năm 2016 khi có đến 75 tấn cá chết. Ngoài nguyên nhân về thời tiết và ô nhiễm, một lý do khác là cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hầu hết là cá phóng sinh hoặc được thả nuôi như cá trê, rô phi..., không phải cá tự nhiên nên khả năng thích nghi thấp; khi xảy ra xáo trộn môi trường sẽ không đủ sức chống chọi.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dau-la-nguyen-nhan-khien-ca-chet-hang-loat-kenh-nhieu-loc-thi-nghe-54244.html