Song Vũ ·
2 năm trước
 5944

Đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải

Với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, Chính Phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải (gọi tắt là Chương trình).

Chương trình đặt mục tiêu, phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.

Và đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Theo nhiều chuyên gia, hoạt động giao thông vận tải là nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng ô nhiễm không khí tại các đô thị hiện nay

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tại quyết định cũng nêu rất rõ những lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Cùng với đó là những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch; Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; Tăng cường hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và truyền thông;

Trong đó, đối với đường bộ, trong giai đoạn 2022 – 2030: Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Trong giai đoạn tiếp theo, đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đối với đường sắt, giai đoạn 2022 – 2030: Nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; Xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2040, dừng từng phần sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Từng bước đầu tư mới và chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050: Chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh; chuyển đổi 100% trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh tại các nhà ga; Cải tạo, nâng cấp hạ tầng các tuyến đường sắt hiện hữu đáp ứng hoàn toàn việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh. Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa, sử dụng năng lượng xanh.

Đến năm 2030, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh (Nguồn ảnh TTO)

Đáng chú ý, đối với giao thông đô thị, giai đoạn 2022 – 2030: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% - 50%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25% - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10% - 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

Từ năm 2030: Tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050: 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Ngoài ra, đối với đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cũng khuyến khích nghiên cứu, đóng mới, chuyển đổi trang thiết bị, phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sang sử dụng điện, năng lượng xanh, tiêu chí cảng xanh, tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2025,…..

Giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị?

Theo PGS - TS Nguyễn Văn Sơn thuộc Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí… Nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu rất nhiều tới sức khoẻ cộng đồng. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động giao thông vận tải, theo ông Sơn, trước mắt cần tăng cường giám sát phát thải qua hệ thống đăng kiểm; giới hạn thời gian lưu hành xe máy và có cơ chế thu hồi xe cũ gây ô nhiễm. Đồng thời tăng cường phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện. Đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài thành phố để giãn mật độ dân số trong nội đô.

Nguồn: Kinh tế Môi trường