Mới đây, tại Hải Phòng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Hóa chất.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương nói chung và ngành Hóa chất nói riêng đã được các cấp, các ngành và các doanh nghiệp thường xuyên quan tâm thực hiện và cơ bản đáp ứng các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của doanh nghiệp như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT …
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MOIT.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng các văn bản này, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã có nhiều ý kiến góp ý.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, các văn bản vẫn còn nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai như các quy định về giấy phép môi trường, quản lý chất thải đặc thù, quan trắc tự động liên tục… Nhất là đối với Hóa chất là một trong những ngành có lượng chất thải phát sinh lớn và áp dụng nhiều quy định khắt khe về bảo vệ môi trường như trách nhiệm của doanh nghiệp về xử lý tro, xỉ, thạch cao; quan trắc tự động liên tục hay giảm phát thải khí nhà kính, kế hoạch ứng phó sự cố môi trường...
Do vậy, việc cập nhật các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương nói chung và các thành viên của Tập đoàn Hóa chất nói riêng.
Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương mong muốn, thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn và triển khai đúng theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ hội tốt để các cán bộ quản lý môi trường tại các doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm để triển khai tốt các quy định trên.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ thêm, đây là lần đầu tiên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có yêu cầu cao, triệu tập toàn bộ lãnh đạo các đơn vị đến dự một Hội nghị chuyên ngành về môi trường do Bộ Công Thương tổ chức. Nguyên nhân bởi các văn bản mới về bảo vệ môi trường có rất nhiều điểm mới và nếu không đảm bảo thực hiện đúng các quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt.
Ông Cường cũng chỉ rõ, thực tế, đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn, dẫn đến việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải có trách nhiệm giảm thiểu các việc ảnh hưởng đến môi trường.
"Luật Bảo vệ môi trường sau nhiều lần sửa đổi đã có những yêu cầu ngày càng cao hơn. Do đó, doanh nghiệp phải quán triệt nguyên tắc là các giải pháp BVMT sẽ vừa giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là bảo vệ môi trường", Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Tập đoàn Hóa chất cũng đã có báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị thành viên trong thời gian qua, qua đó để các doanh nghiệp cùng các chuyên gia của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp trao đổi, chia sẻ những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở và đưa ra các câu hỏi các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt liên quan tới thủ tục về giấy phép và đã được các cán bộ Cục Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương trả lời.