LH ·
2 năm trước
 6605

Đẩy mạnh dự báo để có phương án ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại do thiên tai

Trọng tâm vẫn là đẩy mạnh công tác dự báo để sớm phát hiện, có phương án ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại, chủ động với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Hạn hán, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, giông lốc, bão, mưa đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân…

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2022 đến nay, nước ta đã xảy ra 1 trận bão, 105 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 123 trận dông lốc, 61 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất, 12 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại. Thiên tai từ đầu năm 2022 đã làm 85 người chết, mất tích, 48 người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.044 tỷ đồng.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, cho biết hàng năm các tỉnh Nam Bộ thường xuyên chịu tác động của 16/21 loại hình thiên tai. Trong đó đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất, dông, lốc, sét.

Trong 30 năm gần đây, tình hình thiên tai vùng Nam Bộ diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi, mức độ nguy hiểm.

Theo ông Tiến, trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, tại các tỉnh, thành Nam Bộ không xảy ra những đợt thiên tai lớn, chủ yếu là mưa lớn, lốc, sét và sạt lở bờ sông, bờ biển. Cụ thể, xảy ra 183 trận mưa lớn kèm lốc sét đã làm 12 người chết, 40 người bị thương; 162 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 55.216m, ước tính giá trị thiệt hại 153 tỷ đồng.

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, từ đầu năm 2022 đến nay, nước ta đã xảy ra một trận bão, 105 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 123 trận dông lốc, 61 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất, 12 trận gió mạnh trên biển và hai đợt rét đậm, rét hại. Qua đó đã làm 85 người chết, mất tích, 48 người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.044 tỷ đồng.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, cho biết năm nay tại khu vực miền Nam có hiện tượng La Nina gây sóng cao, gió mạnh trong tuần qua. Ông Khiêm nhìn nhận trong lịch sử hiếm có hiện tượng này; năm nay xuất hiện là sự bất thường.

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, Nghị quyết số 76/NQ-CP, Chỉ thị số 09/CT-TTg và Chỉ thị số 10/CT-TTg, Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị, tập trung vào 10 các nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; rà soát, hoàn thiện, ban hành bộ quy chế, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy.

Huy động các nguồn lực nhất là quỹ Phòng chống thiên tai để thực hiện lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai thường xuyên xảy ra.

Các địa phương cần quản lý, giám sát chặt chẽ tổ chức vận hành các công trình như hồ Dầu Tiếng, cống Cái Lớn - Cái Bé, đập Tha La - Trà Sư… nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động do thiên tai, đồng thời nâng cao hiệu quả, đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất.

Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các nước thượng nguồn Mê Kông để áp dụng các giải pháp phù hợp, tận dụng nguồn nước hiệu quả trong việc sản xuất, giảm lũ và đẩy mặn trong mùa khô...

Trước đó, nhận định về tình hình mưa bão năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, năm nay không khí lạnh đến sớm, hoạt động bão nhiều hơn, kết hợp với nhau thì ảnh hưởng nặng hơn tạo hình thế gây mưa.

“Trạng thái La Nina liên tục từ 2020 đến nay, những pha lạnh như vậy khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Năm nay dự báo Tây Bắc Thái Bình Dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm nên sẽ tác động đến nước ta. Mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11.

Cần đặc biệt chú ý đến tình hình mưa lũ ở miền Trung vào khoảng thời gian từ tháng 10 – 11/2022. Thời điểm này, theo số liệu dự báo, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa khiến chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập như năm 2020. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc", ông Mai Văn Khiêm thông tin.

Trao đổi về các phương án phòng chống thiên tai cho miền Nam trong thời gian tới, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, do đó hội nghị hôm nay là lắng nghe các tỉnh chia sẻ để có những giải pháp trong thời gian tới.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

"Trọng tâm vẫn là đẩy mạnh công tác dự báo để sớm phát hiện, có phương án ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại. Đồng thời, trung ương cũng đã bố trí nguồn vốn trung hạn dành cho công tác phòng chống thiên tai nhiều hơn, từ đó giúp chủ động với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường", ông Hoài chia sẻ.

Theo: Kinh tế Môi trường