Các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sẽ hoạt động vào cuối năm 2025?
Ngày 27/03, Văn phòng UBND TP. HCM đã có Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại cuộc họp về nghe Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tiến độ thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng theo Nghị quyết 28/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND TP.HCM.
Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường và ý kiến của các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 28; báo cáo tham mưu đề xuất trình UBND TP trong tháng 3/2024.
Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị và doanh nghiệp có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng.
Chủ tịch UBND TP.HCM giao các đơn vị liên quan cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng, đưa các nhà máy đi vào vận hành cuối năm 2025 để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 28 của HĐND TP quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung đối với các nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và chỉ tiêu về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương và đơn vị liên quan chủ động nghiên cứu giải pháp xử lý các thủ tục về cấp phép xây dựng để sớm khởi công xây dựng các nhà máy đốt phát điện có thu hồi năng lượng theo hướng phân kỳ: Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng trước các hạng mục/công trình không liên quan đến phát điện trong khi chờ hoàn thành các hồ sơ pháp lý bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII); Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng hoàn thiện nhà máy đốt phát điện có thu hồi năng lượng sau khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan ngành điện (bổ sung dự án vào Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII, đấu nối phát điện…).
Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các chủ đầu tư về thiết kết xây dựng nhà máy và kế hoạch thực hiện phân kỳ đầu tư xây dựng công trình nhằm đảm bảo tiến độ đưa công trình vào sử dụng theo quy định. Trường hợp có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện kịp thời báo cáo UBND TP xem xét chỉ đạo thực hiện, không được chậm trễ.
Giám đốc Sở Công Thương - Ủy viên UBND TP được giao chủ động làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương để đề xuất bổ sung các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng trên địa bàn TP.HCM vào danh mục dự án điện sản xuất từ rác vận hành giai đoạn năm 2023-2030 trong Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII làm cơ sở triển khai các dự án theo đúng quy định; báo cáo UBND TP.
Gần một nhiệm kỳ trôi qua, không một dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác nào hoàn thiện?
Trước sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM, mỗi ngày có hàng chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Để xử lý hiệu quả lượng rác khổng lồ nói trên và đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường, hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn, thời gian qua UBND TP.HCM liên tục đề ra các giải pháp như phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, chuyển đổi công nghệ trong xử lý rác thải,…Thế nhưng, đến nay những giải pháp này vẫn chưa mang lại những kết quả như kì vọng và bài toán về xử lý rác thải trở thành “gánh nặng” cho TP.
Đáng chú ý, trong các giải pháp được ngành chức năng TP đưa ra thì việc chuyển đổi công nghệ trong xử lý rác thải được đánh giá là giải pháp quan trọng, đóng vai trò then chốt, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích. Chính vì vậy, năm 2019, TP.HCM đã chấp thuận và cho khởi công 3 dự án: Nhà máy xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Cụm nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi. Các nhà máy này đều dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020.
Thật đáng buồn, sau gần 5 năm khởi công rầm rộ, đến nay không có bất kì dự án nào trong số các dự án kể trên được hoàn thiện và đi vào hoạt động như mong muốn.
Nói về nguyên nhân các dự án không đi vào hoạt động đúng tiến độ có thể kể đến như doanh nghiệp thiếu năng lực, không mặn mà với việc đầu tư mới, cũng có những doanh nghiệp đã sẵn sàng, chuẩn bị mọi thứ nhưng lại bị vướng quy hoạch, vướng các thủ tục hành chính hoặc một số đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ quản lý nhưng thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát,….
Công nghệ đốt rác phát điện mang lại nhiều lợi thế và hi vọng trong việc xử lý rác thải. Thế nhưng, tại TP.HCM hiện nay, các dự án chuyển đổi công nghệ trong xử lý rác vẫn "bế tắc" khiến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trở nên khó khăn hơn.
Nhiều lần chia sẻ với Phóng viên, ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar cho biết, Công ty rất mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của công ty đi vào hoạt động đúng kế hoạch.
Trớ trêu, sau nhiều lần chỉ đạo của lãnh đạo TP, đến nay đã gần 5 năm trôi qua, dự án chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 đó là cải tiến hệ thống phân loại và tái chế (không cần chờ phân loại tại nguồn). Trong khi đó, giai đoạn 2 vô cùng quan trọng là xây dựng và lắp ráp hệ thống đốt rác phát điện (WTE) thì TP vẫn chưa cấp cho doanh nghiệp bất kỳ một giấy phép nào. Nếu cố tình xây dựng thì sẽ vi phạm.
“Chúng tôi đã bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư trang thiết bị máy móc chỉ mong các thủ tục pháp lý sớm được phê duyệt, thông qua. Có như vậy thì chúng tôi mới tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động theo kế hoạch. Chờ đợi gần 5 năm, chúng tôi đã rất mệt mỏi và có những thiệt hại không thể kể hết.
Vietstar có thể có đủ năng lực để xử lý rác cho cả TP này và chúng tôi cũng sẵn sàng để giải quyết vấn đề rác thải cho TP. Nhưng, với tình trạng như hiện nay chúng tôi đang rơi vào bế tắc. Tôi mong muốn chính quyền TP tạo điều kiện thuận lợi, còn lại doanh nghiệp sẽ thực thi. TP ra điều kiện, doanh nghiệp nào đủ năng lực thì tham gia, không đủ năng lực thì cũng cần loại bỏ để tránh ảnh hưởng”, ông Việt nói.
Số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho thấy, mỗi ngày trên địa bàn TP thải ra khoảng 10.000 tấn rác, trong đó rác từ hộ gia đình chiếm khoảng 42%, từ cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ khoảng 40% và từ khu vực công cộng như đường phố, kênh rạch, công viên…khoảng 18% (1). Trong một số thời gian cao điểm, lượng rác thải đã lên đến 11.000 – 12.000 tấn/ngày và dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày.
Trước thực tế trên, để đạt được những chỉ tiêu như tỷ lệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%,… thì chính quyền TP còn phải vượt qua không ít trở ngại và mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn của TP.HCM cũng sẽ khó đạt được như kì vọng.