Minh Anh ·
35 tuần trước
 7805

Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành GTVT 2023

Trong năm 2023, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn cả nước, trong đó, hai dự án có quy mô lớn nhất là đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.

Qua rà soát của Bộ GTVT cho biết, đối với xây dựng cơ bản, 6 dự án trọng điểm quốc gia đã được Bộ GTVT trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đúng tiến độ yêu cầu.

Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, đã hoàn thành khối lượng công việc lớn để đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 ngày từ đầu năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy vậy, theo Bộ GTVT, tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công một số dự án đang chậm so với yêu cầu, nhất là việc bảo trì hạ tầng giao thông kéo dài, chưa xử lý triệt để, nếu các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư không quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa.

Trong năm 2023, Bộ GTVT yêu cầu sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020 và giai đoạn II 2021 – 2025; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I; dự án đường bộ Chợ Mới - Bắc Kạn…

Bên cạnh đó, Bộ GTVT ra Nghị quyết với các đơn vị, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 như: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cầu Mỹ Thuận 2, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ, luồng sông Hậu giai đoạn 2, tuyến đường thủy Kênh Chợ Gạo giai đoạn II; đồng thời, đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021 - 2025.

Đơn cử, dự án sân bay Long Thành đã tiến hành lựa chọn nhà thầu nhà ga theo quy định; trong tháng 8 đã khởi công dự án. Các đơn vị đã tích cực triển khai các công việc để chuẩn bị khởi công trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh; đường lăn, đường cất hạ cánh; thân tháp không lưu; 2 tuyến giao thông kết nối.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 780/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Công điện nêu rõ: Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải và các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc. Các chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn đã tích cực làm việc liên tục "3 ca, 4 kíp", nhiều công trình thi công cả trong các ngày lễ, tết.

Nhờ đó, đến nay, cả nước đã có 1.832 km đường bộ cao tốc đang khai thác. Các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang được tích cực triển khai xây dựng.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Để tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường bộ cao tốc như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Về tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải: Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải và Lãnh đạo Chính phủ; chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa, tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; rà soát kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hình thức phù hợp, kịp thời để tuyên truyền, động viên, khích lệ, khen thưởng các tập thể, cá nhân, tạo khí thế mới, nâng cao tinh thần thi đua sôi nổi lao động sản xuất tại các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Về việc điều chỉnh linh hoạt vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8/7/2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 93/2023/QH15. Tuy nhiên, đến nay, việc điều hòa giữa hai nguồn vốn vẫn còn nhiều vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 bảo đảm giải ngân tối đa nguồn vốn được giao, trước mắt tập trung giải quyết ngay việc điều hòa nguồn vốn cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án trọng điểm khác, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các dự án, hoàn thành trước ngày 9/9/2023 và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính theo nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để khẩn trương giải ngân số vốn điều chỉnh được giao trong năm 2023, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu và đúng quy định.

Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công điện này; định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Từ nay đến cuối năm 2023, điều kiện thời tiết, giá nguyên vật liệu sẽ đối mặt với nhiều biến động, trong khi tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến khó lường, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu xây dựng kế hoạch tập kết vật liệu xây dựng dự phòng trong trường hợp biến động mạnh giá vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6823129201080111/