Ngày 21/9 vừa qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc tại Lào Cai.
Quang cảnh Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc tại Lào Cai. (Ảnh: Báo Cần Thơ)
Hội nghị với mục tiêu nhằm giới thiệu tiềm năng, quảng bá các sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL; kết nối với các đối tác là doanh nghiệp du lịch, lữ hành ở 8 tỉnh Tây Bắc, hướng đến mở rộng thị trường thu hút khách du lịch từ Tây Bắc, khu vực miền Bắc đến ĐBSCL và ngược lại trên cơ sở khai thác đường bay Cần Thơ - Hà Nội.
Đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp khảo sát các sản phẩm du lịch, xây dựng tour tuyến, thúc đẩy liên kết hợp tác, phát triển du lịch giữa các địa phương.
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khẳng định, Tuần Du lịch - Văn hóa Tây Bắc tại Cần Thơ năm 2023 do nhóm hợp tác, phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra thành công vào đầu tháng 7/2023 với nhiều nội dung quan trọng, hoạt động đặc sắc, được công chúng đón nhận, ngành du lịch ĐBSCL nhiệt tình hưởng ứng và để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách về vùng đất hùng vĩ về thiên nhiên, hào hùng về lịch sử, độc đáo về bản sắc văn hóa.
“Tiếp nối thành công trên, Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc tại Lào Cai sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, kết nối du lịch 2 vùng miền, ngày càng gần lại nhau hơn và cùng nhau phát huy tiềm năng để du lịch của cả 2 vùng cùng cất cánh”, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhấn mạnh.
Đại diện các tỉnh khu vực Tây Bắc đã chia sẻ thông tin du lịch, những điểm đến hấp dẫn và mong muốn sẽ kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hình thành các tour, tuyến du lịch; tạo ra nhiều loại hình và kết nối nhiều điểm du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách ở lại lâu hơn.
Đại diện các tỉnh, thành phố cho rằng, việc liên kết vùng, liên kết chuỗi sản phẩm để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa trong điều kiện vùng Tây Bắc và Tây Nam có nhiều tài nguyên du lịch mang tính chất, đặc điểm khác biệt nhau.
Ngoài ra, Tây Bắc với "Núi rừng hùng vĩ", Tây Nam với "Sông nước hữu tình". Đó sẽ là sự bổ trợ cần thiết để khai thác, phát triển du lịch, chắc chắn du khách 2 vùng sẽ tìm đến để trải nghiệm sự khác biệt.
Tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam biểu dương, đánh giá cao hoạt động kết nối, phát triển du lịch 2 vùng miền, đóng góp vào thành công chung của phát triển du lịch. Khẳng định 2 vùng còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch khi được thiên nhiên ưu đãi về giá trị tài nguyên thiên nhiên, khí hậu đa dạng và phong phú, lợi thế về du lịch biển đảo, sông nước; du lịch địa hình đồi núi; du lịch về văn hóa - lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái...
“Thông qua hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch này sẽ tạo điều kiện cơ hội cho doanh nghiệp 2 vùng miền kết nối hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Siêu nhấn mạnh.
Năm 2022, các tỉnh, thành phố ĐBSCL thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các tỉnh, thành phố ĐBSCL đón gần 27 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch hơn 26 nghìn tỷ đồng. |