Thành Phong ·
48 tuần trước
 8119

EVN nhiều lần tăng giá điện nhưng vẫn báo lỗ?

Từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh (vào năm 2019) và vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.

Bộ Công Thương cho hay, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ hơn 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi…) năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng hơn 3.015 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2021 khoảng 3.702 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của EVN. (Ảnh: ITN)

Đại diện EVN cũng cho hay, với khoản lỗ lớn như vậy, việc cân đối tài chính của Tập đoàn rất khó khăn. Vì thế EVN cũng đã có đề xuất, trình Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ nhằm điều chỉnh giá điện, do năm 2022, chi phí đầu vào sản xuất điện tăng khá cao. Chỉ số giá than, khí, dầu, đác biệt than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4-5 lần. Giá dầu tăng 2 lần… Đó là nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí sản xuất điện tăng cao.

Bản thân EVN cũng đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thực hiện cắt giảm các khoản… tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn tối ưu hệ thống vận hành. Sau những nỗ lực như vậy, thì EVN còn lỗ hơn 26.000 tỷ đồng.

Mới đây, nội dung này tiếp tục được Quốc hội thảo luận ở hội trường. Theo đó, trong phiên thảo luận tổ, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá, phân tích việc điều chỉnh giá điện, vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá điện, nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ và tiếp tục đề nghị điều chỉnh tăng giá.

Nguyên nhân EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng cũng được đại biểu yêu cầu mổ xẻ, cùng với đề xuất nghiên cứu xây dựng cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện, năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện; nghiên cứu phương án tối ưu để đảm bảo cho an ninh năng lượng và tìm được nguồn nhiên liệu rẻ và sạch hơn để từ đó làm giảm giá thành sản xuất.

Cũng liên quan vấn đề này, có ý kiến đề nghị cần quan tâm đến an ninh năng lượng khi tình hình cắt điện đang thường xuyên hơn. Theo đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương cần sớm thương thảo với các công ty, tập đoàn điện gió, điện mặt trời để thu mua và hòa vào lưới điện, đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè.

EVN báo lỗ, loạt công ty con báo lãi nghìn tỉ đồng

Trong khi đó theo thống kê, toàn bộ 13 công ty con được hạch toán vào báo cáo tài chính của EVN vẫn ghi nhận lãi, thậm chí một số đơn vị còn lãi "khủng".

Các doanh nghiệp điện có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. (nh:ITN)

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty Phát điện 2 tăng 59% so với năm trước lên 4.531 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức tăng 64% lên 7.298 tỉ đồng; CTCP Tư vấn Xây dựng điện 4 tăng 17% lên 41 tỉ đồng.

Một số công ty thành viên khác cũng ghi nhận khoản lãi nghìn tỉ như Tổng Công ty Phát điện 1 với 2.104 tỉ đồng; Tổng Công ty Phát điện 3 với 2.549 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác cũng thu về vài chục đến hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Không những thế, 2022 còn là năm "hái ra lộc" của các công ty thủy điện và nhiệt điện với tăng trưởng cao so với năm 2021.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đạt 1.264 tỉ đồng, vượt 40% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm trước đó. Hay CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh cũng thu lãi 764 tỉ đồng, tăng 32%.

Doanh thu bán điện của một số doanh nghiệp (Ảnh:ITN)

Trở lại với số lỗ hơn 1,1 tỉ USD của EVN, Tập đoàn vẫn chưa làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho khoản lỗ trên. Thay vào đó, EVN lại tiếp tục kiến nghị tăng giá điện vì nhận thấy mức tăng 3% hồi đầu tháng 5.2023 vẫn chưa cân đối được chi phí.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể khiến EVN thua lỗ là bán điện cho sản xuất thấp hơn cho sinh hoạt hộ gia đình trong thời gian quá lâu.

Theo đó, giá điện bình quân cho tất cả các đối tượng trên cả nước từ tháng 3.2019 là 1.864,44 đồng/kWh, nhưng EVN đang bán lỗ cho sản xuất với giá hơn 1.500 đồng/kWh không phải giờ cao điểm. Giờ thấp điểm bán cho sản xuất chỉ có 970 đồng/kWh, cao điểm là 2.759 đồng/kWh.

Trong khi đó, hai ngành có mức điện tiêu thụ lớn nhất hiện nay là công nghiệp và xây dựng, chiếm khoảng 54% trong cơ cấu tiêu thụ điện, nhưng lại đang được mua với giá thấp.

Tạ Nhị