Bích Ngọc ·
22 tuần trước
 9825

Để tránh rủi ro khi mua nhà thì cần lưu ý điều gì?

Tại Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi, nhiều quy định bảo vệ về quyền lợi người mua nhà đã được Quốc hội thông qua ngày 28/11 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Do đó, người dân cần nắm rõ khi đi mua nhà.

Đặt cọc không quá 10% giá trị

Trước đây, Luật kinh doanh BĐS không quy định rõ về tỷ lệ chủ đầu tư có thể thu cọc khi dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, nên tùy vào thỏa thuận với khách hàng theo Luật Dân sự để đưa ra tỷ lệ thu cọc khác nhau. 

Còn tại Điều 23 Luật Kinh doanh BĐS mới đã quy định cho phép chủ đầu tư dự án BĐS được thu tiền đặt cọc không quá 10% giá bán, cho thuê mua nhà ở, khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có giấy chủ quyền sử dụng đất. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, phần diện tích.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Điểm mới này của Luật Kinh doanh BĐS và có thể nói vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản khi triển khai dự án và giúp khách hàng có căn cứ xác định, từ đó an tâm ký kết giao dịch với chủ đầu tư.

Quy định tỷ lệ tối đa thanh toán cho tiền mua bất động sản nếu chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) thì không quá 95% giá trị hợp đồng.

Giao dịch thanh toán tiền mua sản phẩm bất động sản là dự án phải qua ngân hàng. Tuy vậy, trường hợp người dân bán nhà ở của mình thì thì không bắt buộc thanh toán qua ngân hàng. 

Chủ đầu tư phải ký văn bản cọc với khách hàng, công bố thông tin dự án

Với mục tiêu bảo vệ người mua nhà, tại Khoản 4 Điều 17 Luật Kinh doanh BĐS quy định rõ chủ đầu tư dự án bất động sản không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua.

Đây là quy định nhằm gắn chặt trách nhiệm của chủ đầu tư với khách hàng khi tin tưởng chọn mua sản phẩm của mình. Chính vì thế, để tránh bị thiệt về quyền lợi người dân khi mua các sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai là căn hộ, nhà phố,.. cần lưu ý điều trên. Bởi những Thỏa thuận cọc không do đơn vị chủ đầu tư ký sẽ không có giá trị pháp lý. Thực tế, thời gian qua tại một số dự án, chủ đầu tư uỷ quyền cho đơn vị phát triển dự án ký thay các thoả thuận với khách hàng.

Ngoài ra, khách hàng khi mua sản phẩm bất động sản có thể an tâm về nguồn thông tin dự án chuẩn xác bởi tại Điều 6 quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin về dự án bất động sản trên nhiều kênh (gồm hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp).

Thông tin về dự án bất động sản phải công khai gồm có: Quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư dự án bất động sản; Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thông tin về quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Hợp đồng mẫu được sử dụng để ký kết trong giao dịch kinh doanh bất động sản. Chính vì thế, khách hàng dễ dàng kiểm tra thông tin về sản phẩm trước khi quyết định giao dịch.

Đối với các chủ đầu tư, việc cung cấp thông tin về dự án từ nay phải luôn tuân thủ, khi luật đã quy định rõ thì cũng có nghĩa song song với đó là các chế tài cũng sẽ rất nghiêm khắc.

Thị trường bất động sản vừa trải qua chu kì thanh lọc mạnh mẽ, đến nay có thể thấy chỉ những chủ đầu tư đủ năng lực tài chính mới còn duy trì tiến độ xây dựng. Việc lựa chọn sản phẩm đảm bảo tiến độ là biện pháp bảo vệ quyền lợi an toàn nhất.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7132103856849309/?