Ngọc Lan ·
51 tuần trước
 10000

100 doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu: Ngành bất động sản chiếm đa số

Tính đến ngày 21/11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tính đến ngày 22/11, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 11 ước đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với tháng trước, nhưng tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đa phần các đợt phát hành trong tháng đến từ nhóm Tài chính – Ngân hàng, chiếm hơn 48% lợi suất vào khoảng 6,4% - 8%. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là tổ chức phát hành giá trị lớn nhất trong tháng với 3,542 tỷ đồng, trong đó 3.092 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 6,45%-6,55% và lô 450 tỷ đồng lãi suất 7,1%, thời hạn 8-10 năm.

Doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu.

Lãi suất cao nhất trong tháng là 14% ghi nhận từ đợt chào bán 1.495 tỷ đồng của Công ty TNHH DV & TV xây dựng Anh Quân.

Theo MBS đáng chú ý, lãi suất phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng có xu hướng nhích lên trong tháng 11 sau nhiều tháng đi ngang. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy lãi suất huy động của ngân hàng khó giảm thêm nữa.

Luỹ kế 11 tháng 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đạt 233 nghìn tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh doanh nghiệp bình quân đạt 8,5%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất với khoảng 109.6 nghìn tỷ, (giảm 18% so với cùng kỳ) chiếm tỷ trọng 47% so với tổng giá trị. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu Ngân hàng là 6,8%/năm, kỳ hạn bình quân 4,5 năm.

Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (18,9 nghìn tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (15,5 nghìn tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (12,9 nghìn tỷ đồng).

Báo cáo của MBS cho biết, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp những tháng gần đây đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, trong tháng 11, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng, giảm 82% so với tháng trước).

Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 197.660 tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó nhóm ngành ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng 47% tổng giá trị mua lại, nhóm ngành bất động sản và xây dựng lần lượt chiếm tỷ trọng 15% và 14%.

Tính đến ngày 21/11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Theo ước tính của MBS, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.