Gia Bảo ·
1 năm trước
 5526

Đề xuất giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết, để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng 6 tháng cuối năm nay.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự thảo được lấy ý kiến các bộ, ngành, VCCI để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ ban hành.

Theo dự thảo nghị định, từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.

Ngoài ra, các nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết. (Ảnh minh họa)

Tiếp đó, từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Bộ Tài chính cho rằng, để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.

Việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng sẽ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội.

Theo đó, chính sách này đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân để được hưởng ưu đãi của chính sách, dẫn đến số lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh nên nguồn thu Ngân sách Nhà nước từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đã bù đắp được phần giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), từ nay đến cuối năm, thị trường ô tô sẽ vẫn tiếp tục đi xuống, dù các hãng xe, đại lý có nhiều chương trình giảm giá, kích cầu.

Riêng trong quý I/2023, tình hình ngành công nghiệp ô tô vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh số bán hàng có sự suy giảm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022 (thời điểm Tết Nguyên đán) cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ ngày 18/5, theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bộ Công Thương có quan điểm rất ủng hộ việc 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, đề xuất trong năm 2023.

Hơn hết, Bộ Công Thương sẽ bám sát và phối hợp Bộ Tài chính gỡ khó cho các doanh nghiệp thúc đẩy thị trường tiêu thụ ô tô. Được biết, năm 2020 và năm 2022, trước sự sụt giảm của thị trường ô tô do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực giảm giá bán và thực hiện các chương trình ưu đãi đã mang lại hiệu quả tích cực giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phục hồi, từng bước mở rộng quy mô, nội địa hóa sản phẩm.

Thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (ngày 1/6), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề xuất cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% VAT (giảm 2%) đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước

Đại biểu cho rằng, việc áp dụng mức thuế VAT 8% dù khiến hụt thu ngân sách 2% so với quy định hiện hành nhưng ô tô là loại hàng hóa chịu thuế cao, cùng với nhiều loại phí (thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí cấp biển…).

Vì vậy nếu được kích cầu, thì số tiền thu được từ các loại thuế, phí khác chịu trên một chiếc xe ô tô sẽ vượt được số thuế 2% được giảm.