Gia Bảo ·
1 năm trước
 8800

Đề xuất nghiên cứu chính sách thuế để điều tiết thị trường bất động sản

Bộ Tài chính cần nghiên cứu, báo cáo các giải pháp, chính sách thuế để điều tiết, phát triển bền vững thị trường bất động sản, chống đầu cơ bất động sản trong trung và dài hạn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Theo đó, các giải pháp dự thảo Nghị quyết tập trung vào kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh đầu tư và thu hút vốn FDI, cùng với việc tăng tốc giải ngân đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính nhằm mục đích hỗ trợ dòng tiền.

Để hỗ trợ dòng tiền, giảm thiểu chi phí và tăng tiếp cận nguồn vốn, Bộ Tài chính được đề nghị mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường hoạt động sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7. 

Trong đó, Bộ Tài chính được yêu cầu tính toán thời hạn, phương thức huy động vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ theo tiến độ thu - chi, giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị trình Thủ tướng ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước năm 2023; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ chi phí năng lượng như điện, xăng dầu từ ngân sách. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là chính sách, giải pháp tài khóa quan trọng trong nửa cuối năm để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng kinh tế.

Ngoài ra, nhằm khơi thông dòng tiền, NHNN cần bảo đảm thanh khoản và tạo điều kiện đối với tổ chức tín dụng thông qua việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, báo cáo các giải pháp, chính sách thuế để điều tiết, phát triển bền vững thị trường bất động sản, chống đầu cơ bất động sản trong trung và dài hạn. 

Dự thảo nghị quyết cũng nêu vấn đề cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là sửa đổi quy định về phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thủy sản trong tháng 7 và giảm tối đa thanh tra chưa cần thiết.

Ngoài ra, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, thu hút vốn FDI và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI trong một số ngành… Tập trung tháo gỡ các dự án lớn, đặc biệt là dự án công nghiệp và năng lượng, hạ tầng giao thông; đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu...

Theo báo cáo, phiên họp thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm, quý II nhìn chung tốt hơn quý I, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản hồi đầu năm (6,2%). Sản xuất kinh doanh khó khăn, sức chống chịu doanh nghiệp đã tới hạn, tạo thách thức lớn để tồn tại, duy trì hoạt động.

Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%) và bảo đảm đời sống nhân dân.

Với dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này. Đây cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách.

Kinh doanh bất động sản vẫn chưa thoát khó

Số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất.

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%). Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực).

Điều này đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường của lĩnh vực này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 (44,8%).