Khu đô thị Dương Nội
Được khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu 7.642 tỷ đồng, hàng trăm căn biệt thự trong Khu đô thị Dương Nội đến nay vẫn trong cảnh không người đến ở, nhiều biển rao vặt tìm khách bán hoặc cho thuê được treo khắp nơi.
Dự án Khu đô thị Dương Nội. (Ảnh: Vietnamnet)
Dương Nội là dự án lớn phía Tây Hà Nội do Tập Đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông. Nơi đây được quy hoạch đồng bộ với hồ Bách Hợp Thủy rộng 12ha và Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông.
Trên một số trang web bất động sản, giá các căn biệt thự liền kề tại đây từ 110- 140 triệu đồng/m2 (tuỳ theo phân khu và loại hình sản phẩm). Như vậy, để sỡ hữu một căn biệt thự ở Dương Nội, khách hàng phải bỏ ra từ 10 tỷ đồng trở lên. Nhiều căn biệt thự đắt giá thời gian này vẫn được treo biển rao cho thuê, bán ở ban công hoặc trước cửa. Các lối ra vào được chăng dây hoặc khóa trái.
Hiện tại, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, cảnh quan và hệ thống đèn chiếu sáng hầu hết đã được hoàn thiện nhưng hàng trăm biệt thự vẫn rơi vào tình trạng hoang vắng. Số lượng cư dân sinh sống tại khu đô thị này vẫn khá vắng vẻ, hàng chục căn biệt thự liền kề, shophouse luôn trong cảnh “cửa đóng then gài” nhiều năm.
Do không có người ở, các hạng mục bên trong những căn biệt thự có dấu hiệu xuống cấp. Dù là biệt thự có giá vài chục tỉ đồng nhưng một số căn lại được rào chắn tạm bợ, tường bị ố vàng, loang lổ.
Khu đô thị Mê Linh
Mê Linh nối trung tâm Hà Nội bằng đường Võ Văn Kiệt kéo dài từ phía Bắc cầu Thăng Long đến gần sân bay Nội Bài. Trong tương lai, cùng với Đông Anh và Sóc Sơn, huyện này sẽ là thành phố phía Bắc trực thuộc thủ đô. Từng được kỳ vọng trở thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Hà Nội nhưng sau gần 15 năm triển khai, dự án là một sản phẩm lỗi.
Khu đô thị Mê Linh sau 15 năm triển khai. (Ảnh: ITN)
Trong 18 dự án được ký một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực (tháng 8/2008), khu đô thị AIC từng là cái tên nổi lên được nhiều người chú ý, đến nay phần lớn diện tích vẫn bị bỏ không.
Tại Quyết định 126 ngày 12/7/2021 của Thanh tra Sở KH&ĐT xử phạt vi phạm hành chính đối với việc không thực hiện hoạt động đầu tư đúng trong hồ sơ đăng ký và việc không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, giám sát, đánh giá đầu tư dự án, công ty đã chấp hành nộp phạt.
Với gần 2.400ha đất thuộc 47 dự án bị treo nhiều năm, huyện Mê Linh (Hà Nội) là một trong những địa phương của thủ đô có nguồn lực đất đai bị đánh giá là lãng phí nhiều nhất.
Gần đây nhất, UBND huyện Mê Linh đã đề xuất UBND TP. Hà Nội thu hồi, chấm dứt 14 dự án với tổng diện tích gần 921,1 ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008.
Khu đô thị Lideco (Hoài Đức)
Được khởi công từ năm 2007, đến nay, dự án khu đô thị Lideco (Hoài Đức) vẫn đang trong tình trạng dở dang, hàng trăm căn biệt thự tại khu đô thị này mới chỉ xong phần thô, để hoang hóa, không có người ở.
Cảnh hoang tàn của những căn biệt thự "kiến trúc Pháp" tại dự án Lideco Hoài Đức. (Ảnh: ITN)
Nằm bên quốc lộ 32 thuộc thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức (Hà Nội), Lideco là một trong những dự án lớn nhất huyện với quy mô 38,23ha. Khu đô thị này do Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Với tổng vốn 781 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2007 dự án gồm 600 ngôi biệt thự, thiết kế theo phong cách tân cổ điển.
Phía Đông và Tây chủ yếu bố trí các nhà biệt thự song lập, nhà liền kề và nhà liền kề có vườn, nhà ở, lô phố. Trên thị trường, giá các căn biệt thự tại khu đô thị này được rao bán với mức giá 10-20 tỷ đồng tùy vị trí và diện tích sử dụng. Còn các nhà cho thuê ở đây cho thấy được chủ rao lên tới 30 triệu đồng/tháng.
Đến nay, những căn biệt thự triệu đô vẫn bị bỏ hoang, xung quanh la liệt rác và vật liệu xây dựng khiến khu đô thị trở nên nhếch nhác.
Khu đô thị Nam An Khánh
Khu đô thị Nam An Khánh có quy mô 288,8ha, trong đó 15,3ha trong dự án khu vực xã An Khánh được quy hoạch làm khu dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất. Tổng diện tích đất quy hoạch cho xây dựng khu đô thị mới là 189,7ha. Dự án nằm ở phía Tây TP Hà Nội, thuộc địa bàn hai xã An Khánh và An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Hơn trăm căn biệt thự đẹp như mơ bị bỏ không, xung quanh vắng bóng người. (Ảnh: ITN)
Sau 15 năm, dự án vẫn còn dang dở, chưa đồng bộ về hạ tầng. Một vài phân khu đã xây dựng xong, nhiều dãy nhà đã hoàn thành phần thô từ nhiều năm trước nhưng không thể hoàn thiện hẳn và chưa có người vào ở.
Thực trạng cho thấy khu vực này chưa được hoàn thiện về hạ tầng, dịch vụ tiện ích xung quanh kém, đặc biệt là vấn đề an ninh. Những yếu tố đó khiến nhiều nhà đầu tư lẫn người có nhu cầu mua để ở ái ngại "xuống tiền".
Năm 2014, chủ đầu tư Sudico đã hợp tác với Techcom Development (thuộc Techcombank) và trong năm 2015, tiếp tục ký phụ lục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Techcom Development với giá trị chuyển nhượng tăng thêm gần 900 tỷ đồng (tổng giá trị hợp đồng là 2.100 tỷ đồng). Sudico cũng đã chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất HH2D với giá trị hợp đồng là 263 tỷ đồng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho MB với giá trị hợp đồng 203 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản "sốt nóng" ở nhiều khu vực, trong đó có vùng phía Tây Hà Nội. Các loại hình bất động sản liền kề, biệt thự khu vực này liên tiếp xác lập mức giá cao. Trên một vài website, giá biệt thự tại Nam An Khánh được rao bán ở mức giá 23-30 tỷ đồng, tùy vị trí và diện tích.
Khu đô thị Vườn Cam - Orange Garden (Hoài Đức, Hà Nội)
Dự án có quy mô dân số khoảng 7.000 người, được thiết kế xây dựng gồm 162 lô biệt thự song lập, 260 lô biệt thự đơn lập tiêu chuẩn, 174 lô biệt thự đơn lập cao cấp, 25 lô biệt thự nhà vườn cao cấp, mỗi lô có diện tích từ 200 - 800m2.
Con đường dẫn vào Khu biệt thự Vườn Cam vẫn chưa hoàn thiện. (Ảnh:ITN)
Dự án đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ giao cho Công ty Cổ phần VinaPol làm chủ đầu tư thực hiện từ tháng 12.2007. Đến năm 2015, dự án được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Từ năm 2019, dự án được “tái khởi động” lại khi chủ đầu tư cho xây dựng các căn biệt thự, nhà vườn... Tuy nhiên, vì nhiều lý do nơi vẫn "đắp chiếu" cả thập kỷ qua khiến hàng trăm tỉ của nhà đầu tư bị chôn vùi.
Vườn Cam được thiết kế chỉ có một cổng duy nhất ra vào để đảm bảo quản lý. Đây là một trong số ít các đô thị ở Hà Nội chỉ xây dựng biệt thự cao cấp, không có shophouse, chung cư hay nhà liền kề...
Tuy nhiên, số phận khu đô thị này đang là những dấu hỏi khi những căn nhà đắt đỏ chỉ mới được xây xong phần thô. Dù hạ tầng như hiện tại, một số tay môi giới cho hay, mỗi căn biệt thự khoảng 200 - 300m2 có giá dao động từ 10 - 20 tỷ đồng.
Khu đô thị mới Thịnh Liệt
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) rộng 35ha dù được triển khai từ năm 2004 đến nay vẫn không có dấu hiệu của việc xây dựng. Cả bãi đất lớn để trống, thành nơi tập kết phế liệu, rác thải.
Sau 10 năm trôi qua dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai – Hà Nội) vẫn chỉ là đồng cỏ bỏ hoang. (Ảnh:ITN)
Dự án do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án được chia thành 2 giai đoạn; Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các mục tiêu giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm căn hộ biệt thự.
Mặc dù xung quanh đã có nhiều tòa nhà dần hoàn thiện xây dựng, tuy nhiên khu đất này vẫn bị bỏ không, hoang hóa. Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến việc diện tích nhà ở bình quân năm 2021 chưa đạt được chỉ tiêu; nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ giai đoạn 2021-2025.
Dự án Nam Đàn Plaza
Dự án Nam Đàn Plaza rộng gần 10.000m2 nằm giữa chung cư Vinhome Sky Lake và Showroom ô tô Lexus Thăng Long, mặt đường Phạm Hùng, do Công ty CP Địa ốc Dầu khí Viễn thông làm chủ đầu tư. Ban đầu, tổ hợp này được thiết kế gồm 2 tòa tháp cao 40 và 44 tầng với 3 tầng hầm, dự kiến hoàn thành vào Quý II/2015. Tuy nhiên, sau thông báo khởi công, dự án không được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Cái tên Nam Đàn Plaza đã bị đưa vào danh sách 23 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội và bị thu hồi đất.
Dự án Nam Đàn Plaza nằm trên mặt đường Phạm Hùng gần tòa nhà Keangnam hiện vẫn chỉ là những kho xưởng. (Ảnh:ITN)
Tháng 11/2006, UBND TP Hà Nội cho phép nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất này từ việc xây dựng Trung tâm Tang lễ Văn minh thành khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án vẫn "bất động" bởi các ông chủ sở hữu lần lượt vướng vào vòng lao lý.
Vào năm 2010, Công ty Cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land (cổ đông lớn nhất của Công ty Xuyên Thái Bình Dương với 50,5% vốn) có chủ trương chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. PVP Land do Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC kiểm soát, vậy nên để chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, PVP Land phải xin ý kiến PVC. Trịnh Xuân Thanh khi đó với cương vị Chủ tịch HĐQT PVC đã chỉ đạo cho lãnh đạo PVP Land bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá trị thực tế để cùng nhau chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. 7 năm sau thương vụ trên, cơ quan điều tra đã khởi tố Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm với tội danh “tham ô tài sản”.
Năm 2012, Nam Đàn Plaza bất ngờ được thông báo khởi công với tên gọi mới là PVT Diamond Tower. Theo giới thiệu, tổ hợp này được thiết kế gồm 2 tòa tháp cao 40 và 44 tầng, với 3 tầng hầm và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2015. Mặc dù kế hoạch triển khai là vậy, song sau thông báo khởi công, dự án không hề được triển khai theo kế hoạch đề ra. Chủ đầu tư trì hoãn, không cho triển khai, còn tại dự án bỗng dưng mọc lên nhiều kho xưởng để kinh doanh.
Hiện khu đất dự án đã mọc lên các lán làm kho xưởng quây tôn. UBND phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng mục đích quy hoạch.
Trước tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, ‘ôm” đất bỏ hoang, UBND TP Hà Nội thường xuyên xây dựng kế hoạch, đôn đốc xử lý. Trong tháng 8/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì cuộc làm việc của Ban chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu đến hết tháng 10/2022 cần có các kết quả rà soát cụ thể, phương án xử lý của từng dự án để tổng hợp báo cáo HĐND thành phố. Số liệu thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy, qua rà soát, toàn thành phố có hơn 700 dự án với hơn 5.000 ha đất chậm triển khai.
Đáng chú ý, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án có sử dụng đất, không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.