Thành Vũ ·
1 năm trước
 9472

Điểm tên những vụ án khai tác cát trái phép quy mô lớn

Do lợi nhuận lớn, nên hiện nay hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn biến phức tạp, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, cùng điểm lại các vụ án khai thác cát trái phép với quy mô lớn.

Những năm gần đây tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép hoặc khai thác quá mức tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai là một trong những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, nhất là những hộ dân sống ven sông. Việc hút cát, sỏi theo kiểu tận thu, bừa bãi khiến đáy sông bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, bờ kè, không chỉ làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế của Nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê kè, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản, tính mạng và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Các đối tượng thường lợi dụng giấy phép khai thác cát hợp pháp, giấy phép nạo vét luồng lạch để khai thác vượt phạm vi, quá số lượng và sử dụng sai mục đích. Khi bị bắt giữ thì tìm cách hợp thức hóa giấy tờ thông qua hợp đồng mua bán mỏ, thuê khai thác, thuê vận chuyển hoặc lấy lý do trời tối, sóng gió nên khó xác định chính xác tọa độ dẫn tới khai thác nhầm vị trí, phạm vi...

Bên cạnh đó, họ thường khai thác cát vào đêm tối, thời điểm thời tiết xấu; khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, họ thông báo cho các đối tượng đang khai thác cát trái phép rút vòi bơm, xả bỏ cát và chạy trốn. Nhiều trường hợp còn chống trả lực lượng thi hành công vụ và đánh chìm phương tiện để phi tang.

Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

"Cát tặc" ở Thanh Hóa làm thất thoát gần 100 tỉ đồng

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Số tiền các đối tượng “cát tặc” thu lợi bất chính được xác định lên đến gần 100 tỉ đồng.

Theo đó, cơ quan chức năng xác định các đối tượng: Lê Thị Thoan (huyện Yên Định), Trịnh Xuân Thành (Yên Định) và Nguyễn Trọng Giang (Vĩnh Lộc) tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Mã.

Cụ thể, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 10.2020 đến tháng 6.2022, các đối tượng trên đã khai thác trái phép hơn 1,1 triệu m3 cát, với giá trị được xác định hơn 95,5 tỉ đồng.

Trước đó, Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc - do ông Đỗ Quang Sơn (sinh năm 1982 ở phường Đông Thọ, TP. Thanh Hoá) là người đại diện hợp pháp - được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác mỏ cát 41 tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định. Trữ lượng được cấp phép khai thác trong hơn 10 năm là 109.000m3. Từ ngày 1.4.2019, Công ty Cổ phần thương mại Đức Lộc đã cho bà Lê Thị Thoan thuê khoán, để tiến hành các hoạt động khai thác cát.

Tiến hành điều tra, đến ngày 13.6.2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, để điều tra theo quy định. Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an tỉnh báo cáo, đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ngày 29.6.2022, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác lập Chuyên án truy xét số 119R để tập trung để điều tra, làm rõ.

Thu lợi bất chính hơn 2,7 tỷ đồng từ khai thác cát trái phép tại An Giang

Ngày 15/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 20 đối tượng.

Theo kết quả điều tra xác định: Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (trụ sở tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) do Lê Quang Bình là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc.

Công ty này được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,5 triệu m3 cát để cung cấp cho 4 công trình gồm: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; Công trình đường kênh Long Điền A - B và Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Lợi dụng Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác bước đầu xác định là 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng, bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này.

Phú Yên đề nghị truy tố hình sự doanh nghiệp khai thác cát

Ngày 25/9, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Phú Yên phát đi thông báo cho biết, UBND tỉnh này đã ký quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm của doanh nghiệp khai thác cát để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh.

Doanh nghiệp bị đề nghị truy tố là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Huy Phú, xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Công ty này được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy phép khai thác khoáng sản từ tháng 12.2016, tại mỏ cát sông Đà Rằng, thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành, với diện tích 3ha, trữ lượng trên 101.000m3 cát nguyên khai, trong thời hạn 10 năm.

Quá trình hoạt động, Công ty Huy Phú đã vi phạm khai thác vượt ra ngoài phạm vi cho phép, vì vậy ngày 1.4.2022, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt với số tiền 120 triệu đồng, phạt bổ sung là “tước quyền sử dụng giấy phép khai thác 7 tháng”.

Tuy vậy, sau khi chấp hành quyết định xử phạt, doanh nghiệp này tiếp tục có dấu hiệu tái phạm.

Giữa tháng 8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra mỏ cát sông Đà Rằng của Công ty Huy Phú, tiếp tục lập 3 biên bản vi phạm hành chính với 7 hành vi vi phạm, gồm "khai thác cát lòng sông vượt ra ngoài đến dưới 100m"; "vượt quá độ sâu cho phép từ 5m trở lên"; "để mất mốc giới"; "không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin..."; "không lắp đặt trạm cân"; "khai thác không đúng trình tự khai thác theo thiết kế"; "không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng".

Những hành vi trên có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thác cát trái phép trên sông Đà – 9 bị cáo vướng vòng lao lý

Tháng 7 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm nhóm 9 bị cáo khai thác cát trái phép trên sông Đà. Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bá Quốc (sinh năm 1973, ở Hà Nội) 4 năm 6 tháng về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo quy định tại Điều 227 - Bộ luật Hình sự.

Cùng bị phạt tù về tội danh trên, các bị cáo: Nguyễn Thị Yến (sinh năm 1974, ở Hà Nội, vợ bị cáo Quốc) lĩnh án 30 tháng tù, Nguyễn Thị Sỹ (sinh năm 1994, ở Hà Nội, con gái bị cáo Quốc) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Văn Hưng (sinh năm 1976, ở Bắc Giang) 36 tháng tù, Nguyễn Văn Tác (sinh năm 1970, ở Hải Dương) 30 tháng tù, Đỗ Đăng Biển (sinh năm 1992, ở Hà Nội) 24 tháng tù; Định Đức Soạn (sinh năm 1981, ở Hà Nội) và Kiều Văn Hoàng (sinh năm 1995, ở Hà Nội) cùng lĩnh 18 tháng tù; Ngọ Văn Thỉnh (sinh năm 1980, ở Bắc Giang) 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Từ tháng 9/2022, mỏ cát trên lòng sông Đà của Công ty Phùng Hải dừng hoạt động khai thác. Do có nhiều khách hàng muốn mua cát đen, bị cáo đã chỉ đạo sáu lái tàu, phụ tàu gồm Hưng, Tác, Biển, Soạn, Hoàng, Thỉnh để điều khiển tàu ra giữa sông hút cát trái phép vào ban đêm.

Cơ quan điều tra xác định bị cáo Quốc không có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vì hám lợi, bị cáo đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Hưng, Tác, Biển, Hoàng, Thỉnh thực hiện hành vi khai thác cát trái phép tại lòng sông Đà.

Quá trình điều tra làm rõ từ ngày 15/9 đến ngày 5/11/2022, bị cáo Quốc cùng Yến, Sỹ chỉ đạo khai thác 306 chuyến tàu cát, tổng khối lượng gần 91.000m3. Số tiền thu lời bất chính hơn 577 triệu đồng.

Để ngăn ngừa tình trạng khai thác cát trái phép, không chỉ cần siết chặt quản lý, tăng cường chế tài xử phạt mà còn cần các giải pháp đồng bộ. Việc khai thác cát hợp lý và khoa học sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông và đáp ứng nhu cầu xây dựng. Vì vậy, cơ quan chức năng phải xác định cho được khu vực nào, khai thác thế nào là khoa học và hợp lý.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6921460041247026