Bích Ngọc ·
5 tuần trước
 9819

Doanh nghiệp bảo hiểm đã qua thời khủng hoảng chưa?

Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bảo hiểm đã đi qua, điều này được thể hiện qua con số tổng thu phí bảo hiểm 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,6%.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2 năm 2024, ước tính tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm khoảng 934,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 780,7 nghìn tỷ đồng,  so với cùng kỳ năm trước tăng 12,7%.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trước đó, trong năm 2023, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm nhẹ 8% so với năm 2022.

Còn theo số liệu mới, thị trường bảo hiểm đã phần nào ổn định trở lại sau hàng loạt lùm xùm, khủng hoảng trong năm 2023.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết,  giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bảo hiểm đã đi qua nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Trung cho hay, thời gian tới, Bộ Tài chính hướng đến quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để tăng tính răn đe, thượng tôn pháp luật.

Bộ Tài chính hiện đã tăng cường hoạt động thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan này đã giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến kinh doanh bảo hiểm như: sửa đổi các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số… 

Thêm vào đó, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình tài chính, tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp bảo hiểm; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quản lý chất lượng đại lý.

Trong năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho biết sẽ quyết tâm lấy lại niềm tin của khách hàng. 

Theo ông Bae Seung Jun - Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam, Shinhan Life luôn tin rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam thời gian tới sẽ sớm phục hồi và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này khẳng định sẽ tập trung hơn vào chất lượng, hướng đến việc tuyển dụng và đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp, có nền tảng tốt.

Ông Bae Seung Jun nhấn mạnh, chỉ khi được tư vấn kỹ lưỡng bởi đội ngũ tư vấn tài chính có năng lực và hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm, khách hàng mới có thể yên tâm với giải pháp tài chính phù hợp nhất. Bảo hiểm nhân thọ khi đó mới phát huy giá trị đích thực và người dân sẽ có thêm niềm tin với bảo hiểm.

Còn bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho hay, sau những sự việc diễn ra với ngành bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, ưu tiên hàng đầu là việc đổi mới để đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp để củng cố niềm tin của khách hàng, đây là yếu tố sống còn với các doanh nghiệp trong ngành và Manulife Việt Nam tiên phong trong nỗ lực đổi mới này. Sau thành công với M-Pro, trong thời gian tới Manulife Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các sáng kiến đổi mới khác để bảo vệ quyền lợi và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Tuy nhiên, khi đánh mất niềm tin của người khác dành cho mình, thường rất khó để họ có thể tin tưởng bạn một lần nữa. Bản chất của BHNT là cách thức dự phòng tài chính an toàn cho tương lai, có mục đích thay thế nguồn thu nhập khi người tham gia gặp rủi ro.

Thực tế là những sản phẩm được phát triển bằng niềm tin thì một khi đánh mất sẽ rất khó khôi phục. Cuộc khủng hoảng trước đó của thị trường BHNT không phải đến từ những khó khăn chung của nền kinh tế, hay các yếu tố vĩ mô mà nó được định vị là “khủng hoảng niềm tin”. Khi khách hàng quyết định tin tưởng lại cũng có nghĩa là họ đang mang niềm tin của mình ra đánh cược một lần nữa, vậy liệu sau những việc đã qua, khách hàng có dám có lựa chọn tin tưởng thêm lần nữa hay không?

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7551239308269093/?