Ngọc Lan ·
43 tuần trước
 6646

Sáu doanh nghiệp bảo hiểm lọt vào "tầm ngắm" thanh tra Bộ Tài chính

Trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó có 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 19/1 về tình hình cụ thể thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023 và kế hoạch thanh tra năm 2024, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Doãn Thanh Tuấn cho biết, về thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành thanh tra 8/10 doanh nghiệp.

Dự kiến, việc thanh tra các doanh nghiệp sẽ kết thúc trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. "Sau khi ban hành kết luận thanh tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ công bố thông tin đầy đủ", ông Tuấn nói.

Về kế hoạch thanh tra năm 2024, ông Tuấn thông tin, ngày 27/11/2023, lãnh đạo Bộ Tài chính đã công bố kế hoạch thanh tra. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra theo kế hoạch được thông qua.

Sáu doanh nghiệp bảo hiểm lọt vào "tầm ngắm" thanh tra Bộ Tài chính. (Ảnh minh họa)

Trước đó Bộ Tài chính đã thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023. 

Trong nửa đầu năm 2023, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm. Cụ thể, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential (Prudential), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas), Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life (Sun Life) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife (BIDV Metlife).

Kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hồi tháng 6/2023, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Không nên cho phép ngân thương mại cổ phần liên doanh, liên kết bán bảo hiểm

Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội ngày 15/1, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm là vấn đề rất quan trọng.

Đây là lần thứ ba đại biểu Phạm Văn Hòa bảo vệ quan điểm "không nên cho phép ngân hàng thương mại cổ phần liên doanh, liên kết bán bảo hiểm đối với công ty bảo hiểm" bởi hệ lụy đã xảy ra.

Đại biểu nêu thực tế đang còn dai dẳng là khách hàng rất thắc mắc về chuyện bán bảo hiểm của một số công ty. Thành lập công ty bảo hiểm phải có trụ sở nhưng thực tế nhiều công ty không có.

Dẫn chứng 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 trụ sở bảo hiểm, khách hàng mua bảo hiểm ở Đồng Tháp phải qua Long Xuyên, Cần Thơ để khiếu nại, khiếu kiện.

Trước việc ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm và ngân hàng được chi hoa hồng rất cao, ông Hòa băn khoăn: "Tôi nói hơi kỳ nhưng chỉ có giật của người ta mới có lời chứ không có cách nào mà lợi nhuận cao như thế". 

Với ngân hàng, theo ông Hòa, khi đã nhận liên kết với bảo hiểm thì buộc nhân viên phải bằng mọi cách vận động khách hàng vay tiền phải mua bằng được bảo hiểm nếu không sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị giảm chỉ tiêu thi đua.