LH ·
2 năm trước
 5047

Doanh nghiệp mở rộng thị phần 'tiêu dùng xanh'

Xu hướng "tiêu dùng xanh" đang tạo ra cơ hội phát triển, mở rộng thị phần, cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội và thách thức trong thúc đẩy tiêu dùng xanh ở Việt Nam.

Hiện nay, vấn đề tiêu dùng xanh còn được đưa vào các Chương trình Nghị sự của các tổ chức quốc tế như UNEP, UNESCAP, tổ chức EU. Tiêu dùng xanh đã được nhiều quốc gia triển khai thực hiện và đang trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đáng chú ý, khi thu nhập cá nhân và ý thức "tiêu dùng xanh" ngày càng tăng thì người dân chú trọng hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường hơn, nhất là sau hậu Covid-19 như hiện nay.

Làn sóng ưu tiên sản phẩm xanh

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Việt Tiến, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM cho hay, được biết tại hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đang diễn ra Tháng tiêu dùng xanh 2022, nên gia đình ưu tiên mua sắm tại đây trong thời gian này. Việc tiêu dùng xanh không chỉ thể hiện ý thức của người dân trong mua sắm, sinh hoạt hàng ngày, mà còn được hưởng lợi từ đa dạng chương trình khuyến mãi, giảm giá của nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh.

Người dân mua sắm tại Cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. (Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN)

Dẫn chứng cụ thể, anh V chỉ ra rằng, tháng tiêu dùng Xanh 2022 của Saigon Co.op có nhiều hoạt động mang tính tương tác cao, thiết thực khuyến khích khách hàng chọn mua sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng... Trong đó, Saigon Co.op tổ chức luân phiên có thể kể đến hoạt động giảm giá lên đến 50% cho hơn 10.000 sản phẩm thân thiện môi trường; mua nhiều ưu đã lớn và siêu ưu đãi...

Cùng quan điểm, chị T ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, trong những năm gần đây, khi mua sắm sản phẩm điện máy - điện tử, gia đình luôn cân nhắc lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Do đó, hầu hết đồ dùng thiết yếu như máy lạnh, nồi cơm điện, máy rửa chén... của gia đình đều là sản phẩm Inverter (công nghệ có thể kiểm soát công suất của thiết bị nhằm tránh hao phí năng lượng không đáng có, từ đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ từ 20-40% so với các dòng sản phẩm thông thường).

Đồng hành cùng nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh, từ giữa tháng 6/2022 đến nay, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với một số đơn vị tổ chức Chiến dịch tiêu dùng xanh năm 2022 với chủ đề "Gia đình xanh cùng hành động" tại TP.HCM. Chiến dịch này, không nằm ngoài mục tiêu vận động cộng đồng ưu tiên tiêu dùng xanh, tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn chất lượng cuộc sống cộng đồng...

Nét nổi bật của chiến dịch năm nay tạo được sức hút với người tiêu dùng, là có hơn 100 siêu thị và 500 cửa hàng trên cả nước; hàng ngàn doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia trưng bày sản phẩm xanh, giải pháp sản xuất xanh. Bên cạnh đó, với nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng xanh cùng sự nỗ lực của cộng đồng tình nguyện viên trên cả nước trong việc hỗ trợ người dân tăng cường nhận diện sản phẩm xanh, thì ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh sẽ lan tỏa rộng trên thị trường.

Trong khuôn khổ chiến dịch còn có những hoạt động đáng chú ý như đố vui xanh có thưởng sản phẩm xanh; đổi pin cũ nhận quà xanh; phát hành cẩm nang xanh với hình thức trực tuyến nhằm đa dạng kênh tương tác... Đây cũng là cơ sở nền tảng để cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng sản phẩm xanh sẽ được hình thành và phát triển mạnh trong tương lai. 

Cùng với đó, khi người tiêu dùng đặt niềm tin vào nhóm sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn chất lượng... thì đây sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp đơn vị sản xuất kinh doanh chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Ngoài ra, phát triển thương hiệu gắn với yếu tố xanh như: sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện... để đưa ra sản phẩm sạch, bảo đảm môi trường không còn là yếu tố cộng thêm mà đang có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Sản xuất bền vững hút đầu tư

TS. Hồ Thanh Thủy, Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững; trong đó, tiêu dùng xanh được chú trọng nhiều hơn. Người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm hơn đến vấn đề xanh và sạch; đồng thời, sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho thương hiệu có cam kết xanh và sạch.

Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp nên nắm bắt cơ hội này nhằm đẩy mạnh thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng; trong đó, đơn vị sản xuất kinh doanh có thể thông qua cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững...

Ghi nhận thực tế trên thị trường cũng cho thấy, xu hướng người dùng tiêu dùng chi tiêu nhiều tiền hơn cho sản phẩm xanh cũng tạo ra cơ hội lớn cho cộng đồng startup xây dựng mô hình kinh doanh bền vững có điều kiện thuận lợi nhận được đầu tư và thu lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh xanh. Mô hình kinh doanh bền vững bắt nguồn từ ý tưởng tạo ra sản phẩm xanh giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen cũng có tiềm năng phát triển thị trường lớn hơn những năm gần đây.

Thị trường hiện tại xuất hiện phong phú sản phẩm được chế tạo từ 100% nguyên liệu tự nhiên như cỏ, dừa, gạo, bã mía, cà phê... thay thế những sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Hay có thể kể đến sản phẩm ống hút từ rau củ quả, bột sinh tố... không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn mang lại cuộc sống tốt hơn cho bà con nông dân và nâng cao giá trị nông sản Việt.

Diễn biến thị trường tiêu dùng hàng hóa thiết yếu chịu tác động của dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy người tiêu dùng nâng cao ý thức về sức khỏe, môi trường và các vấn đề xã hội hơn. Một số nhóm khách hàng, nhất là giới trẻ đòi hỏi nhiều hơn ở một sản phẩm, dịch vụ như ngoài chất lượng, giá cả... thì uy tín thương hiệu, trách nhiệm xã hội... cũng là những yếu tố đẫn dến quyết định mua sắm, tiêu dùng của họ.

Phó Chủ tịch và Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Quỹ Wavemaker Partners bà Trần Hoài Phương cũng chia sẻ, xu hướng đầu tư của quỹ mạo hiểm đang thay đổi khi tập trung vào một số ngành mang đến giá trị cho môi trường như là Agritech (công nghệ trong nông nghiệp). Ưu tiên đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh bền vững, tạo ra tác động tích cực đến xã hội cũng là tiêu chí đầu tư của không ít quỹ trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Bởi cùng với lợi nhuận, một mô hình kinh doanh cần phải phát triển bền vững, giải quyết được các thách thức của xã hộivà mang lại giá trị thiết thực cho người dân toàn cầu. Đây còn là một trong những yếu tố tiên quyết tạo "lực đẩy" để đơn vị sản xuất kinh doanh, startup nâng cao khả năng nhận đầu tư, phát triển ý tưởng và đưa sản phẩm ra thị trường.

Đồng thời, nếu giải quyết được bài toán xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể xâm nhập và hưởng mức thuế suất ưu đãi khi thâm nhập vào thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản...; trong đó, có thể kể đến những tiêu chí như đạt chuẩn chất lượng, xử lý chất thải phát sinh đạt tiêu chuẩn, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải...

Với xu hướng tiêu dùng xanh diễn ra trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam và đây được xem là một tiêu chuẩn cho sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, cũng như năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, sự thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang xu hướng xanh được dự báo vừa là cơ hội, vừa là thách thức đơn vị sản xuất kinh doanh, startup trong cung ứng hàng hóa, minh bạch thông tin sản phẩm... để thu hút người tiêu dùng.

Chiến lược Tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Như vậy, chuyển đổi mô hình tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và là một nội dung căn bản của mục tiêu phát triển ở Việt Nam hiện nay.

Theo: Kinh Tế Môi Trường