Bích Ngọc ·
13 tuần trước
 9862

Doanh nghiệp thép đang có nguy cơ mất thị trường nội địa?

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, các nhà sản xuất thép Việt đang đối diện nguy cơ mất thị trường nội địa khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép.

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng diễn ra mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, với đà phục hồi hiện nay, dự báo năm 2024 sản xuất thép thành phẩm có thể đạt 30 triệu tấn (tăng 7% so với năm 2023). Tuy vậy, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, khó khăn đầu tiên là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023). Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn (tăng 42% so với năm trước). Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn (chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu).

Tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước và sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn đồng thời giá cước vận tải quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.

Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các "hàng rào" kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép của nước ta hiện nay.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới.

Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Úc… Trong đó, Mỹ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam.

Gần đây nhất, sau một thời gian dài không không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trực diện với Việt Nam, vào tháng 8 năm 2023, EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép không gỉ cán nguội Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với Indonesia.

Trước những khó khăn nói trên, VSA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Cùng với đó, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công…

Với Bộ Công Thương, VSA đề nghị tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại đối sản xuất thép ở nước ngoài.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn bởi do đặc thù các dự án sản xuất thép cần chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Đồng thời, VSA cũng đề nghị các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu giải pháp và các gói tài chính xanh hỗ trợ doanh nghiệp thép chuyển đổi xanh theo Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ tại COP26.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7957254654334221