Minh Sơn ·
1 năm trước
 1970

Doanh nghiệp xuất khẩu có thể mất thị phần vì chiếc… khay nhựa

Từ chối yêu cầu thay chiếc khay nhựa đựng tôm theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu, một doanh nghiệp tại Việt Nam đã bị mất thị phần tại Mỹ.

Sau 3 năm thực hiện hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng lợi. Nhờ lợi thế ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu đến các quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Canada, các nước EU…

Thuỷ sản là một trong những ngành hàng đó. Theo bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản sang các nước trong khối CPTPP chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam, góp phần giữ vững thế mạnh xuất khẩu thuỷ sản đứng thứ 3 thế giới. Trong thời gian tới, thuỷ sản Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng giá trị xuất khẩu nếu khai thác và tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội mà hiệp định thương mại tự do mang lại. Cụ thể là mảng chế biến sâu theo xu hướng tiêu dùng có lợi cho sức khoẻ hoặc sản phẩm hữu cơ.

Bao bì thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn là một trong những yêu cầu bắt buộc trong xuất khẩu (ảnh minh hoạ)

“Chúng ta xuất khẩu trên 80% nguyên liệu để các đối tác gia công và chế biến sâu. Chúng tôi đã đề cập với các doanh nghiệp để định hướng cho sản phẩm chuyên sâu” - bà Tô Thị Tường Lan cho biết.

Để làm được điều này, theo lãnh đạo VASEP, công nghiệp hỗ trợ cho ngành cần phát triển. Lấy đơn cử sản phẩm tôm cung ứng cho chuỗi phân phối lớn ở Mỹ, nhà cung cấp yêu cầu doanh nghiệp thay chiếc khay nhựa đựng tôm đang dùng bằng sản phẩm của Thái Lan đảm bảo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã từ chối và ngay lập tức đã có nhà cung cấp khác mua khay nhựa của Thái Lan, đóng gói và xuất khẩu.

Dẫn câu chuyện này, đại diện VASEP nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bao bì sản phẩm và ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là hiện nay bao bì sản phẩm thay đổi liên tục theo xu hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, xu hướng của thế giới bắt buộc phải theo là phát triển bền vững. Khi đáp ứng các tiêu chuẩn này tạo ra cơ hội để ngành thuỷ sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường và là cách duy nhất để nhanh chóng hoàn thiện chuỗi sản xuất của chính doanh nghiệp.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh thêm vai trò của bao bì sản phẩm. Đây là vấn đề tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ.

Không chỉ chú trọng chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của bao bì hàng hoá xuất khẩu là yếu tố quan trọng và quyết định cho doanh nghiệp

Theo bà Lý Kim Chi, ngành thực phẩm đã gặp trường hợp tương tự. Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã từng kết nối một nhà máy chế biến mỳ ăn liền rất lớn tại Việt Nam với đối tác Mỹ để nhận những đơn hàng lớn. Khi nhận mẫu mỳ, đối tác chấp nhận giá cả, bao bì sản phẩm và có ý định đặt hàng ổn định từ 3 - 5 năm. Phía đối tác chỉ có yêu cầu nhà sản xuất bỏ lớp màng nhôm bên trong nắp ly mỳ. “Đây là việc làm rất dễ lắm nhưng đáng tiếc, công ty mỳ ăn liền đã không hợp tác, không thay đổi mẫu mã” - bà Lý Kim Chi cho biết.

Thay đổi khay nhựa hay chiếc nắp của ly mỳ ăn liền, theo bà Lý Kim Chi rất đơn giản nhưng nhà sản xuất không muốn thực hiện. “Để bắt kịp và theo được xu hướng thị trường không đơn giản, chúng ta phải nghiên cứu sâu thị trường, khẳng định tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá sản phẩm cũng như đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hoá, bao bì, mẫu mã thì mới hoà nhập vào thị trường” - bà Lý Kim Chi nhấn mạnh thêm.

Sau đại dịch, nhu cầu các nước dần ổn định trở lại nhưng xu thế tiêu dùng thay đổi, hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe con người. Không chỉ tại các thị trường có FTA với Việt Nam, ngay cả thị trường lớn vốn dễ tính như Trung Quốc cũng đang siết chặt quy định nhập khẩu. Vì vậy, rào cản lớn nhất vẫn là rào cản liên quan đến kỹ thuật, những quy định của thị trường nhập khẩu. Các doanh nghiệp cung ứng bao bì cùng cần đồng hành với doanh nghiệp sản xuất để cùng nhau tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng của toàn cầu.