Ngọc Sang ·
2 năm trước
 1614

Đồng Nai: Cần hỗ trợ hạ tầng cho các cụm công nghiệp

Để hoàn thành mục tiêu di dời các doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, không phù hợp quy hoạch vào các Cụm Công nghiệp, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ nguồn vốn để nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các Cụm Công nghiệp.

Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai thông tin, Vĩnh Cửu là địa phương được quy hoạch triển khai nhiều Cụm Công nghiệp (CCN) nhất tỉnh Đồng Nai với 7 CCN nằm rải đều ở các xã, diện tích của mỗi CCN từ 46-50ha. Tuy nhiên, đến nay chưa có CCN nào được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Để khắc phục tình trạng này, các CCN trên đã được huyện Vĩnh Cửu chuyển tiếp sang quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 để hoàn thiện hạ tầng và đưa vào khai thác, góp phần phát triển công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Vậy nhưng, trong quá trình triển khai, mỗi CCN lại có những vướng mắc riêng nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời để nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Đơn cử như CCN Vĩnh Tân được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng từ tháng 1/2009 và năm 2017, giao cho Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ An Thiên Lý làm chủ đầu tư, dự án có quy mô hơn 50ha. Vậy nhưng, CCN có 21ha đất lúa nên phải đợi Chính phủ chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng sang đất công nghiệp. Đồng thời, dự án có hơn 1ha đất công đang đợi Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu cho tỉnh hướng xử lý. Do đó, hiện dự án vẫn chưa được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ An Thiên Lý (chủ đầu tư CCN Vĩnh Tân) ông Nguyễn Cảnh Kiên cho biết, công ty chỉ mong tỉnh sớm xử lý diện tích đất công trong CCN và cấp chủ trương đầu tư để doanh nghiệp tiến hành các bước tiếp theo của dự án. Nếu hạ tầng kỹ thuật sớm hoàn thiện thì sẽ có nhiều doanh nghiệp thứ cấp đến đầu tư góp phần phát triển kinh tế cho địa phương và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.

Được biết, các CCN còn lại trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu đều vướng về bồi thường, phương án đấu giá đất, xác định nguồn gốc đất, đất công.

Các cụm công nghiệp tại Đồng Nai hiện đnag gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng

Còn tại huyện Long Thành, tình trạng các CCN gặp vướng mặc, chậm triển khai cũng đang diễn ra. Theo Trưởng phòng Kinh tế  huyện Long Thành Lâm Văn Minh cho biết, trên địa bàn huyện có 3 CCN được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết là CCN tiểu thủ công nghiệp Tam An (gần 51ha), CCN tiểu thủ công nghiệp Long Phước 1 (75ha) và CCN Phước Bình (75ha). Hiện các CCN này đã có nhà đầu tư nhưng chậm triển khai và còn vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.

Theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai thì CCN Tam An  có thời hạn hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào ngày 31/8/2022, nhưng hiện tại chủ đầu tư hạ tầng là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trường Lâm mới khởi động xây tường rào. CCN này còn 1 trường hợp chưa đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, huyện Long Thành còn có CCN ô tô Đô Thành diện tích 50ha. CCN này đã giải phóng mặt bằng được 17ha, hoàn thiện được một phần hạ tầng. Do chưa có sự thống nhất trong các quy hoạch nên chưa có quyết định thành lập. Huyện Long Thành đang triển khai lập quy hoạch vùng huyện, hồ sơ đồ án chung các xã, trong đó có dự án CCN ô tô Đô Thành. Đây là cơ sở để chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý đề xuất thành lập CCN, đề xuất ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cần sớm hỗ trợ để hoàn thiện hạ tầng cho các CCN

Mặc dù các CCN trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu tuy chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, nhưng trong nhiều cụm đã có doanh nghiệp đang hoạt động. Do đó, rất cần nhanh chóng xây dựng hạ tầng để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, đồng thời thu hút thêm được các doanh nghiệp mới đang dự tính đầu tư vào. Cụ thể, CCN Thạnh Phú - Thiện Tân hiện có 42 doanh nghiệp đang hoạt động và tỷ lệ lấp đầy hơn 95%, nhưng đường trong cụm vẫn chưa được xây dựng; CCN Vật liệu xây dựng Tân An có 14 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 2 ngàn lao động và cơ bản đã lấp đầy; CCN Tân An có 3 doanh nghiệp đang hoạt động và tỷ lệ lấp đầy đạt 50%...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hồng Quế cho hay, muốn xây dựng một CCN bài bản thì phải làm hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Tại huyện Vĩnh Cửu, một số CCN có đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trước khi thành lập nên hạ tầng tự phát chưa được xây dựng. Mỗi CCN sẽ có những vướng mắc riêng, huyện phối hợp với chủ đầu tư dự án, các sở, ngành tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Riêng vướng mắc liên quan đến đất đai, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh có hướng giải quyết kịp thời. 

Hiện nay, vốn đầu tư các công trình đều đã tăng thêm từ 2-2,5 lần so với thời điểm phê duyệt cách đây 3-4 năm. Các chủ đầu tư dự án CCN tại huyện Vĩnh Cửu cũng như các địa phương khác buộc phải tính toán lại tổng mức đầu tư và cân nhắc khi hoàn thành đưa vào khai thác liệu có đem lại hiệu quả hay không.

Theo đánh giá, tỉnh Đồng Nai cần sớm hỗ trợ để hoàn thiện hạ tầng cho các CCN

Đối với các CCN trên địa bàn huyện Long Thành, theo Phòng Kinh tế huyện, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN bị ảnh hưởng. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, chẳng hạn CCN Long Phước 1 còn 12 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng và nhận tiền hỗ trợ thì có 6 trường hợp cần sự thống nhất của các sở, ngành để tham mưu UBND tỉnh phương án hỗ trợ khác; CCN Phước Bình có 24/30 trường hợp đã kiểm kê tài sản nhưng chủ đầu tư chưa chuyển tiền theo văn bản kiến nghị của huyện để chi trả cho các hộ dân; CCN ô tô Đô Thành có thể được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh nhưng hiện tại chưa có quyết định thành lập CCN.

Do vậy, huyện Long Thành kiến nghị các sở, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời xem xét, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho một số CCN trên địa bàn để sớm đưa vào hoạt động. Về phía huyện, sẽ tiếp tục xác minh nguồn gốc đất, vận động người dân nhận tiền bồi thường và bàn giao đất, bên cạnh đó là đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật CCN tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động.

Cuối tháng 8 vừa qua, tại buổi làm việc với UBND huyện Long Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu các chủ đầu tư và địa phương tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục kết nối hạ tầng các CCN với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của huyện nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN. Trường hợp nhà đầu tư hạ tầng cố tình kéo dài, không hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đúng thời hạn thì đề xuất thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ nguồn vốn để nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN. Các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ và Sở Công thương hướng dẫn để doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Thực tế, trong đầu tư các khu công nghiệp hoặc các CCN đều sẽ phải tính toán đến hiệu quả kinh tế sau khi hoàn thành dự án và đưa vào khai thác. Nếu như hiệu quả kinh tế đem lại thấp hơn nhiều so với số vốn bỏ ra đầu tư thì cũng nên cân nhắc việc tiếp tục quy hoạch triển khai dự án hay để khai thác theo hướng khác đem lại hiệu quả về kinh tế, môi trường cao hơn.

Theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh Đồng Nai về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh hỗ trợ 30% tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN trong tổng mức đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được duyệt, tối đa không quá 10 tỷ đồng/CCN.