Mạnh Hùng ·
1 năm trước
 3118

Dòng vốn đầu tư vào startup Việt sụt giảm bởi biến động kinh tế - tài chính toàn cầu

Trong bối cảnh "mùa đông" gọi vốn toàn thế giới, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với con số kỷ lục 1,44 tỉ USD năm 2021.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures vừa công bố báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ 2023, được phát hành thường niên. 

Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2022 do Do Ventures thực hiện cũng cho thấy trong bối cảnh "mùa đông" gọi vốn toàn thế giới, tổng số vốn đầu tư vào startup Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với con số kỷ lục 1,44 tỉ USD năm trước. Lượng vốn này đến từ 134 thương vụ đầu tư, giảm từ mức 165 của năm trước. Sau năm bùng nổ 2021, vốn đầu tư vào startup Việt Nam bị ảnh hưởng trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng nhanh và thị trường biến động mạnh.

Số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị giảm. Theo thống kê cho thấy các doanh nghiệp ở vòng Pre-A và Series A đã trưởng thành và tiếp tục gọi được vốn. Tính chung, Việt Nam đứng thứ ba về số thương vụ, thứ tư về giá trị trong khu vực. Đặc biệt, 2022 là năm đầu tiên nhóm nhà đầu tư nội địa vươn lên dẫn đầu, hoạt động khá tích cực. Họ thể hiện vai trò quan trọng và là nguồn động lực để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế số ở Đông Nam Á, từ 18 tỉ USD lên 23 tỉ USD (tăng 28%). Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng nhanh gấp 2 lần GDP cho đến năm 2030 (19% so với 9%) và đây là tín hiệu đáng khích lệ. Việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia đổi mới sáng tạo dẫn đầu (đứng thứ 48/132 nước) là một nỗ lực rất lớn, cho thấy Việt Nam tiếp tục là hình mẫu cho các nước đang phát triển khác trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

Ông Quang Nguyễn, Giám đốc đầu tư cao cấp Tập đoàn SK (Hàn Quốc) cho biết, trong 5 năm qua tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam 2 tỉ USD. Tập đoàn cũng rất sẵn sàng rót vốn cho dự án mang tính sáng tạo và có ý tưởng kinh doanh tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực đã có thành tích mang lại giá trị cho các nhà đầu tư từ tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, trong vòng 3-5 năm tiếp theo startup phải thích nghi với lãi suất và mức lạm phát cao hơn. Các startup cần đặc biệt quan tâm đến tài chính bởi nguồn vốn huy động mới đang khan hiếm trước khi đạt được mức hòa vốn.

Các startup cần đặc biệt quan tâm đến tài chính bởi nguồn vốn huy động mới đang khan hiếm

Trong báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2023, hầu hết các vòng gọi vốn đều giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10 - 50 triệu USD tăng nhẹ, cho thấy các startup đã huy động được vòng Pre-A và Series A năm trước đã dần bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Đáng chú ý, lĩnh vực dịch vụ tài chính nhận được số vốn đầu tư nhiều nhất với mức tăng mạnh mẽ 248%. Vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech vẫn dồi dào, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2021. Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ giảm 57% nhưng đây vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai. Y tế, giáo dục, và thanh toán tiếp tục nằm trong số các lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.

Đặc biệt, giữa “mùa đông gọi vốn”, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam, số lượng quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ so với các năm trước.

Đáng chú ý, các quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường nội địa. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Việt Nam với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các công ty khởi nghiệp trong nước.