Minh Lâm ·
1 năm trước
 4103

Những startup nào đang hưởng lợi từ làn sóng sa thải công nghệ?

Đáng ngạc nhiên, làn sóng sa thải của các gã khổng lồ công nghệ dường như đang góp phần thúc đẩy sự gia tăng của các startup.

Xu hướng sa thải của các "ông lớn" đang giúp ích gì cho giới startup

Henry Kirk chưa bao giờ nghĩ rằng anh sẽ từ bỏ công việc quản lý kỹ thuật tại Google. Thế nhưng, anh là một trong số 12.000 nhân viên đã bị gã khổng lồ công nghệ sa thải vào tháng 1/2019. Hóa ra đây chính là bước ngoặt để anh tham gia vào lĩnh vực khởi nghiệp – xây dựng một phần mềm thiết kế đầy tiềm năng với  toàn bộ đội ngũ là các kĩ sư vừa mất việc khác.

Theo thống kê, các công ty công nghệ đã sa thải ít nhất 160.000 nhân viên chỉ trong năm 2022, và xu hướng này vẫn đang tiếp tục diễn ra trong năm mới, với hơn 100.000 người khác mất việc làm.

Thế nhưng, đã có một số dấu hiệu cho thấy sự gia tăng của những startup mới. Phát ngôn viên vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator, Lindsay Amos, cho biết số lượng đơn đăng ký đã tăng 20% so với 2022. Số lượng đơn nộp tính đến tháng 1/2023 đã tăng gấp năm lần.

Với Henry Kirk, thay vì tìm việc tại các công ty công nghệ khác, anh quyết định theo đuổi một con đường mới. Khoản bồi thường thôi việc của các công ty đủ cho Kirk và nhiều người khác có thể thực hiện các ý tưởng mới của riêng mình. Thời gian rảnh rỗi hơn cũng cho họ không gian và thời gian để suy nghĩ về những hướng đi mới trong tương lai.

Jen Zhu, một cựu nhân viên mất việc, chia sẻ “Tôi cảm thấy có một cảm giác nhẹ nhõm kỳ lạ. Chiếc gông vàng đã được tháo ra và tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn”. Hiện cô đang là CEO của Maida AI - startup công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe.

Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, các nhà đầu tư mạo hiểm vẫn ưu tiên một số công ty khởi nghiệp có nền tảng vững chắc. Đây thậm chí còn được coi là khoản đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc và các tín hiệu kinh tế bấp bênh.

Tất cả các startup đều có những ưu thế nhất định về khả năng ứng phó linh hoạt nhằm giảm chi phí tối thiểu. Và nếu các công ty này chứng minh họ có thể sinh lời trong thời kỳ suy thoái, thì nó thực sự là có tiềm năng to lớn. Điển hình như AirBnB, công ty ra đời trong thời kỳ suy thoái năm 2008 đã thành công do khai thác đúng nhu cầu cần kiếm tiền từ nhà ở không sử dụng trong thời kỳ khủng hoảng.

Khác với suy nghĩ của nhiều người, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn duy trì số tiền mặt kỷ lục - khoảng 585 tỷ USD cuối năm 2022 - để sẵn sàng rót vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp hấp dẫn.

Giới đầu tư chỉ tỏ ra thận trọng hơn trước các phi vụ thất bại đáng chú ý như WeWork hay Theranos, thể hiện qua việc nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn và lâu hơn so với thời kỳ đầu tư dễ dãi trước đây. Những bất ổn của thị trường tài chính Mỹ và thế giới thời gian qua cũng làm chậm hơn quá trình giải ngân vốn.

Vụ việc của Wework đã khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn

Tùng Trần, giám đốc quản lý Quỹ VIC Partners tại Việt Nam, nhận định: “Năm 2023, diễn biến kinh tế vĩ mô không tốt khiến dòng tiền đầu tư chậm lại. Do đó các quỹ đầu tư dò xét rất kĩ càng các ý tưởng khởi nghiệp. Hiện các công ty do VIC Partners quản lý chỉ có hai việc chính: tối ưu hóa (bộ máy và mô hình kinh doanh và hiệu quả) và tập trung đạt tăng trưởng dương”.

Julia Austin, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh Harvard, cũng là một nhà đầu tư thiên thần và người sáng lập Good For Her -  một NGO  dành cho các nhà sáng lập nữ, nhận xét: “Họ đang có chiến lược hơn và cẩn thận hơn rất nhiều. Có một thực tế là các công ty bây giờ không thể gọi vốn qua các bài trình chiếu được nữa”.

Trong lịch sử, những cuộc suy thoái tồi tệ đã tạo ra những công ty khởi nghiệp thay đổi thế giới. Google ra mắt năm 1998 - không lâu trước khi bong bóng dotcom sụp đổ; hay AirBnB bắt đầu vào năm 2007; Slack, WhatsApp và Square ra mắt vào năm 2009.

Điều quan trọng, các đợt sa thải đã không làm nhụt chí các ý tưởng, mà còn thúc đẩy nhiều hơn. Theo Kirk, anh cảm thấy tràn đầy sinh lực và việc sa thải đã tạo động lực để theo đuổi một ý tưởng đã ấp ủ từ lâu. Jen Zhu – người từng làm về nhân sự - đã quyết định phát triển bản thân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Công ty khởi nghiệp của cô nằm trong số bảy công ty nhận được 100.000 USD tài trợ từ Day One Ventures, vượt qua 1200 ý tưởng khác.

Thậm chí, một số kỹ sư không bị sa thải cũng đã tận dụng thời điểm này để bắt đầu theo đuổi ý tưởng của riêng họ. Nish Junankar, cựu kỹ sư phần mềm của nền tảng NFT OpenSea và Squarespace, cho biết anh ấy đã bỏ việc sau khi một số thành viên trong nhóm bị sa thải. Hiện anh đang bắt đầu lại bằng starttup Fasier, một nền tảng tổng hợp danh sách trang trí nội thất từ các cửa hàng khác nhau.