Hải Anh ·
3 năm trước
 2603

Dự án Summit Building số 216 Trần Duy Hưng có nguồn gốc đất công không qua đấu giá?

Tôi có câu hỏi, rằng việc Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích 2.373m2 sang đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building không qua đấu giá liệu có công bằng với những nhà đầu tư khác?

Dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building tại số 216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy là dự án do Công ty CP Veracity làm chủ đầu tư. Đây cũng là một trong những dự án dư luận muốn làm rõ nguồn gốc đất vì cho rằng dự án có nguồn gốc đất công nhưng không qua đấu giá. 

Theo Báo Giao Thông đưa tin, tháng 1/2003, TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi 4.741m2 đất tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy (gồm đất công và đất của một số hộ dân), giao cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long thuê 45 năm để xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm.

Dự án 216 Trần Duy Hưng

Ngày 27/1/2003, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 764/QĐ-UB cho Công ty Hoa Phượng Thăng Long thuê 4.741m2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Mục đích là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm

Phần lớn diện tích đất khu đất 4.741 m2 thuộc sự quản lý của Nhà nước (tức tài sản công) và đất của một số hộ dân đang sử dụng sẽ được UBND quận Cầu Giấy lập hội đồng giải phóng mặt bằng, tổ chức bồi thường thiệt hại cho người dân bị thu hồi.

Đến ngày 29/4/2003, ông Phạm Đức Thắng với vai trò là Giám đốc Công ty Hoa Phượng Thăng Long đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính – Nhà đất (sau này là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội). Ngày 15/4/2004, UBND TP. Hà Nội đã cấp Giấy CNQSD đất số 00732 cho công ty này.

Tuy nhiên, sau hơn chục năm “án binh bất động”, tháng 9/2014, dự án này bắt đầu được "cắt" làm đôi, Công ty Hoa Phượng Thăng Long chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội. Được biết, Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội do ông Nguyễn Đại Dương (SN 1965, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), một nhân vật nổi tiếng ở Hà Nội thời điểm đó làm giám đốc.

Tháng 12/2014, Hà Nội thu hồi 2.373m2 đất tại dự án này giao cho pháp nhân mới là Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội để tiếp tục thực hiện dự án như mục tiêu ban đầu. Hình thức hợp đồng là thuê đất trả tiền đất hàng năm.

Có thể thấy, dự án đã kéo dài 10 năm và thửa đất “vàng” gần 5000m2 đã bị chia hai xẻ nửa nhưng mục tiêu của dự án vẫn không thay đổi. Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội được Hà Nội cho thuê đất là để tiếp tục thực hiện một phần dự án xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm chứ không phải làm dự án mới.

3 năm sau (tháng 2/2017), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký quyết định cho phép Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội (trong đó có Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 là đơn vị hợp tác đầu tư) chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích 2.373m2 sang đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building.

Tuy nhiên, quá trình chuyển nhượng này không hề qua đấu giá. 

Theo Thương hiệu và Pháp luật, tháng 2/2019, liên danh nhà đầu tư tòa nhà Summit Building đã đề nghị thành phố cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Cổ phần Veracity (trong hệ sinh thái của một nhóm cổ đông) do bà Trịnh Thị Hà là người đại diện theo pháp luật.

Đề nghị này sau đó cũng nhanh chóng được thành phố chấp thuận. Bằng chứng là 18 tháng sau (tháng 8/2019), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký quyết định cho phép liên danh chuyển nhượng toàn bộ dự án cho một pháp nhân mới khác là Công ty CP Veracity, một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở tại Hà Nội.  Từ đây, Công ty Cổ phần Veracity chính thức “thâu tóm” khu đất vàng 2.373m2 cùng tòa nhà thương mại để bán cao 35 tầng đã xây thô.

Summit Building tại số 216 Trần Duy Hưng

Dự án The Summit số 216 Trần Duy Hưng

Đến đây, khu đất 2.373m2 với mục tiêu ban đầu là thực hiện dự án văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm đã chính thức bị “khai tử”. Thay vào đó là một doanh nghiệp đã xây dựng tòa nhà ở thương mại để bán cao 35 tầng.

Và như vậy, nhà đầu tư được giao 2.373m2 đất để thực hiện dự án Summit Building không thông qua hình thức đấu giá?

Như vậy, sau một khoảng thời gian khá dài, từ năm 2003 đến 2019, trải qua nhiều lần "sang tay", chuyển nhượng, khu vực đất công tại Trung Hòa, Cầu Giấy đã trở thành đất dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại, mà cụ thể là dự án Summit Building do Công ty CP Veracity làm chủ đầu tư mà không hề trải qua quá trình đấu giá?

Vậy, việc Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích 2.373m2 sang đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building không qua đấu giá liệu có công bằng với những nhà đầu tư khác?