Dự báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong tháng 2, tại vùng các cửa sông Cửu Long ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 45-65 km; so với năm 2023 cao hơn từ 5-10 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 8-13 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 3-7 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-60 km trong các kỳ triều cường.
Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/l lớn nhất tháng 2/2024, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 75-85 km; so với năm 2023 cao hơn từ 8-10 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 12-21 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 7-12 km.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 70km trở xuống vào các ngày triều cường. Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.
Nguồn nước về ĐBSCL tiếp tục giảm.
Đáng chú ý, hiện nay hồ Nouzhadu ở phía dưới bậc thang thủy điện Trung Quốc mới tích nước được ở mức dưới 40% tổng dung tích hữu ích, vì vậy khả năng điều tiết của các hồ chứa Trung Quốc xuống hạ lưu là nhỏ.
Khu vực Đông Nam Bộ hiện cũng đang trong giai đoạn đầu mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 2 đạt khoảng 69% dung tích thiết kế. Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong thời gian tới đây thì nguồn nước cơ bản sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023 – 2024.
Các hồ chứa chính trên lưu vực sông Đồng Nai phải vận hành tuân thủ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2019, đảm bảo vận hành xả nước về hạ du đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định.
Trong tháng 1/2024, xâm nhập mặn tăng cao vào kỳ triều cường từ ngày 10-15/01/2024; 23-26/1/2024. Ranh mặn 4g/l vùng cửa sông Cửu Long từ 37-46 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn 10-13 km; so với năm 2023 cao hơn từ 5-7 km; so với năm 2016 thấp hơn từ 4-6 km; so với năm 2020 thấp hơn từ 8-16 km.
Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tổ chức xuống giống vụ Đông Xuân 2023-2024 phù hợp với tình hình nguồn nước và xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.
Đồng thời, thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân. Địa phương có kế hoạch phân phối nước hợp lý và kịp thời điều chỉnh khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô năm 2023-2024.